Trong những năm trở lại đây, các cấp, ngành của tỉnh, huyện tích cực đầu tư, mở các lớp tập huấn trang bị kiến thức cho bà con nông dân miền núi về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi đã giúp cho người dân nhiều hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Xã Cẩm Đàn, Giáo Liêm là một trong những điểm đầu tiên trong việc phát huy hiệu quả sau khi được tập huấn kiến thức khuyến nông, khuyến lâm.
 
Cẩm Đàn và Giáo Liêm là hai xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Sơn Động với nhiều dân tộc anh em cùng chung sống (người dân tộc thiểu số chiếm 70% tổng số dân). Diện tích đất canh tác hạn hẹp, hầu hết người dân trong hai xã còn thiếu nhiều thông tin về khoa học kỹ thuật, thiếu vốn, kinh nghiệm để sản xuất và chưa biết khai thác những thế mạnh, tiềm năng tại địa phương để phát triển kinh tế. Tập quán canh tác của người dân còn nặng theo kinh nghiệm truyền thống, chưa mạnh dạn học tập kinh nghiệm và tiếp thu các yếu tố khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, các hộ gia đình chưa dám đầu tư phát triển các mô hình kinh tế hộ và nhóm hộ. Chính vì vậy năng suất và hiệu quả kinh tế còn thấp, đời sống của bà con dân tộc còn nhiều khó khăn, tỷ lệ đói nghèo chiếm tỷ lệ cao.
 
Để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc miền núi, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của đề án giảm nghèo nhanh và bền vững, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KHCN - Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang đã triển khai thực hiện mô hình nuôi gà thương phẩm theo phương pháp thả vườn. Đây là mô hình nhằm hướng dẫn đồng bào dân tộc trong hai xã nâng cao trình độ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi gà thương phẩm theo phương pháp thả vườn phù hợp với quy mô hộ gia đình trên địa bàn huyện Sơn Động.
 
Mô hình nuôi gà thương phẩm theo phương thức thả vườn được triển khai, nuôi với quy mô 2000 con gà Mía Lai tại 11 hộ gia đình trong 2 xã theo đúng kỹ thuật tập huấn: Lựa chọn con giống phải đảm bảo khoẻ mạnh không bị bệnh, đồng cỡ, lông bông, bụng gọn, tinh nhanh, không bị dị tật. Từ 01 ngày tuổi đến 04 tuần tuổi nuôi úm trong chuồng nuôi: Ngày đầu bắt gà về, cho gà nghỉ 30 phút sau đó cho gà uống nước pha vitamin C hoặc đường Glucoz (liều lượng 1g/lít), có thể cho gà uống nước đường kéo dài 8 ngày đầu. Từ ngày thứ 2 cho gà ăn bằng thức ăn công nghiệp, ăn nhiều lần trong ngày, mỗi lần một ít để thức ăn luôn được mới, thơm ngon. Hoà chế phẩm Emina với nước sạch theo tỷ lệ 1 lít Emina + 500 lít nước cho gà uống tự do. Nhiệt độ phải đủ ấm (tuần 1: 31 – 340C, tuần 2: 29 – 310C, tuần 3: 26 – 290C, tuần 4: 22 - 260C). Từ 04 tuần tuổi đến xuất bán nuôi thả vườn, cho gà ăn cám tổng hợp đậm đặc trộn với cám ngô, cám gạo; trong quá trình nuôi luôn cho gà uống nước có pha chế phẩm Emina; uống và tiêm vaccine lasota, gumboro, Newcastle đúng lịch phòng; định kỳ sát trùng chuồng trại, xung quanh khu vực nuôi 2 lần/tuần. Sau 3 tháng nuôi cho thấy tỷ lệ nuôi sống cao (95%), khả năng kháng bệnh, sinh trưởng và phát triển tốt, mẫu mã đẹp, chất lượng thịt ngon, đạt khối lượng bình quân 1,7 kg/con, cao hơn hẳn so với giống gà của địa phương.
 
Tính toán hiệu quả kinh tế sau 03 tháng nuôi tại xã Cẩm Đàn cho thấy: Tổng chi phí đầu tư cho 1000 con gà là 53.737.000 đồng. Với khối lượng trung bình 1,7kg/con, với giá bán là 50.000đồng/kg thu được 81.515.000 đồng, trừ chi phí lãi được 27.778.000 đồng.
 
Từ kết quả đạt được đã thu hút được sự quan tâm của bà con nông dân trong và ngoài xã. Từ đó đã khuyến khích được bà con nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp kết hợp với kinh tế vườn rừng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Đồng thời nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây. Có thể khẳng định rằng dự án mở rộng sẽ góp phần thiết thực trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân tại hai xã Cẩm Đàn và Giáo Liêm nói riêng cũng như người dân toàn huyện Sơn Động nói chung, đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo và làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của địa phương./.
 
Nguyễn Thảo