Năm 2019, huyện Yên Thế (Bắc Giang) có kế hoạch trồng 900 ha rừng sản xuất tập trung và hơn 300 nghìn cây phân tán. Để việc trồng rừng đạt hiệu quả, chính quyền địa phương, ngành chức năng và các chủ rừng trong huyện đã chuẩn bị tốt mọi điều kiện phục vụ trồng rừng.
Khai thác đến đâu, trồng ngay đến đó
Đầu tháng 1-2019, gia đình anh Hoàng Văn Hiền, bản Hố Tre, xã Tam Tiến (Yên Thế) thu hoạch 3 ha bạch đàn và keo lai. Ngay khi những cành lá bạch đàn vừa đốn hạ chưa kịp khô, anh Hiền cho thu dọn, đốt cùng lớp thực bì để lấy hiện trường trồng rừng mới. Trước Tết Nguyên đán, tranh thủ thời tiết thuận lợi, gia đình anh đã thuê nhân công cuốc hố, bón phân lót để ngay sau Tết trồng rừng cho kịp thời vụ.
Ông Hoàng Văn Qúy, Trưởng bản Hố Tre chia sẻ, cả bản hiện có 74 hộ dân với 400 ha rừng sản xuất. Nguồn thu chính của các hộ đều nhờ vào thâm canh rừng kinh tế. Đầu năm 2019, bản Hố Tre có 20 hộ trồng rừng mới, tổng diện tích 50 ha. Riêng gia đình ông Qúy trồng 4 ha. Nhờ 4 ha keo gần 6 năm tuổi vừa bán mà gia đình ông thu lãi 520 triệu đồng. “Trồng rừng kinh tế cho lãi cao nên mấy năm gần đây không cần phải nhắc nhở bà con trong bản cũng tự mua cây giống về trồng”, ông Quý nói.
Cùng với người dân trong huyện, thời điểm này các doanh nghiệp (DN) kinh doanh rừng, sản xuất cây giống trên địa bàn Yên Thế như: Công ty TNHH hai thành viên Lâm nghiệp Yên Thế (Công ty Lâm nghiệp Yên Thế), Lâm trường Đồng Sơn… cũng đã chuẩn bị xong các điều kiện về cây giống, phân bón, nhân lực… cho vụ trồng rừng xuân hè 2019. Anh Nguyễn Văn Nam, Trưởng Phòng Kỹ thuật, Công ty Lâm nghiệp Yên Thế cho biết, năm nay, Công ty dự kiến trồng mới 200 ha rừng, tổng vốn đầu tư hơn 4 tỷ đồng. Với phương châm khai thác đến đâu trồng rừng ngay đến đó, hiện Công ty đã trồng mới hơn 30 ha. Nhằm chủ động nguồn giống tốt, từ nhiều năm qua, DN đã tự sản xuất các loại cây giống. Phục vụ mùa trồng rừng năm 2019, Công ty gieo ươm 70 vạn cây các loại. Trong đó, cây giống sản xuất theo công nghệ nuôi cấy mô chiếm khoảng 30%. Hai giống cây được Công ty gieo ươm chủ yếu là bạch đàn và keo lai, gồm các dòng bạch đàn: PNCT3, UP72, UP74, UP99; keo lai: BV10, BV16, BV71. Ngoài bảo đảm nhu cầu trồng rừng của đơn vị, gần một nửa số cây giống của DN được bán cho các hộ trồng rừng quanh vùng.
Sử dụng cây giống rõ nguồn gốc
Theo ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thế, năm 2019 diện tích trồng rừng kinh tế của huyện giảm 400 ha so với năm ngoái. Sở dĩ có điều này là do chủ trương của huyện khuyến khích người dân giảm khai thác rừng kinh tế, chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn nhằm nâng cao hiệu quả khai thác.
Nhằm giúp chủ rừng không mua phải giống kém chất lượng, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã công khai các cơ sở đủ điều kiện sản xuất giống để nhân dân được biết. Cùng đó, ngay từ thời điểm gieo ươm cây giống, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, UBND huyện đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Yên Thế giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống lâm nghiệp trên địa bàn. Huyện thành lập Tổ kiểm tra liên ngành kiểm tra các cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp. Qua đó, phát hiện một số cơ sở, DN có các dấu hiệu vi phạm như: Không chứng minh được xuất xứ, nguồn gốc lô giống; chưa gắn biển chỉ dẫn tên cây giống; không có đăng ký kinh doanh...
Ông Nguyên Văn Thành, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Yên Thế cho biết, sau quá trình tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm, đến nay trên địa bàn huyện chỉ còn 67 cơ sở gieo ươm giống cây lâm nghiệp, giảm 74 cơ sở so với năm 2017. Các cơ sở này cung cấp ra thị trường hơn 20 triệu cây giống/năm. Ông Thành khuyến cáo: “Một chu kỳ rừng kinh tế thường kéo dài từ 4 đến hơn 10 năm, do vậy các chủ rừng nên chọn mua cây giống bảo đảm chất lượng, rõ nguồn gốc xuất xứ ở những cơ sở có uy tín và được cấp phép hoạt động”.
Cùng với siết chặt công tác quản lý giống cây lâm nghiệp, Hạt Kiểm lâm Yên Thế thường xuyên cử cán bộ bám địa bàn, kịp thời hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc và chọn cây trồng cho vụ mới. Chị Trần Thị Diệu, thôn Trại Mới, xã Đồng Tiến cho hay: “Được cán bộ Kiểm lâm địa bàn hướng dẫn, vụ này gia đình tôi trồng toàn bộ bằng giống keo lai BV10. Đây là giống cây vừa cải tạo đất tốt mà năng suất cũng cao hơn, phù hợp với sản xuất rừng gỗ lớn”.
Tin liên quan:
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây theo công nghệ Hàn Quốc (12-11-2024)
- Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của huyện Lục Nam (21-10-2024)
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (28-08-2024)