Gà cổ rắn (hay gà Transylvania) là một nòi gà sở hữu chiếc cổ dài và không có lông. Chúng có nguồn gốc từ Hungary.
Trước đây người ta từng nhầm tưởng chúng là sản phẩm lai giữa gà thường và gà tây. Ngày nay gà cổ rắn khá phổ biến ở châu Âu, song tại châu Mỹ số lượng của chúng khá thấp. Chiếc cổ không lông là một tính trạng trội do một gene điều khiển và có thể được truyền sang nòi gà khác, song những con thừa hưởng tính trạng ấy là gà lai, chứ không phải gà cổ rắn đích thực.
Denis Headon, một nhà sinh học tiến hóa của Viện Roslin thuộc Đại học Edinburgh tại Scotland, phân tích ADN của gà cổ rắn để tìm hiểu bản chất về chiếc cổ của chúng. Ông và các cộng sự phát hiện ra rằng tính trạng không lông trên cổ là kết quả của một đột biến gene ngẫu nhiên. Đột biến này khiến cơ thể gà sản xuất quá nhiều BMP12 – một loại phân tử ngăn chặn sự phát triển của lông. Nó xuất hiện lần đầu tiên ở gà nuôi tại miền bắc Romani từ vài trăm năm trước, National Geographic cho biết.
Khi nhóm nghiên cứu đưa các phân tử BMP12 vào phôi gà thường trong phòng thí nghiệm, chúng cũng không có lông trên cổ khi chúng lớn. Như vậy cổ là bộ phận nhạy cảm nhất đối với BMP12.
Tiếp tục phân tích ADN, các chuyên gia phát hiện một axit có nguồn gốc từ da trên cổ gà cổ rắn. Axit này làm tăng khả năng hoạt động của BMP12, khiến lông không thể mọc.
Phần lớn đột biến gene mang đến tác động xấu đối với động vật, song đột biến gene ở gà cổ rắn lại mang đến nhiều lợi ích cho chúng. Trên thực tế gà cổ rắn nổi tiếng khắp thế giới do chúng có khả năng chịu nhiệt tốt hơn, có trọng lượng cơ thể lớn hơn và đẻ nhiều trứng hơn so với các nòi gà khác. Những ưu thế này rất quan trọng đối với hoạt động chăn nuôi gà ở các nước có khí hậu nóng như Mexico.
Gà cổ rắn cũng không phải nòi gà duy nhất không có lông trên cổ.
“Chúng tôi nghĩ cổ của mọi loài gà đều có xu hướng mất lông. Nếu một đột biến gene làm tăng số lượng phân tử BMP12 trong da, cổ sẽ là bộ phận đầu tiên mất lông”, Headon nói.
Chẳng hạn, trong tự nhiên, đà điểu và cò không có lông ở cổ để chống nóng ở bộ phận này. Giới khoa học chưa biết liệu BMP12 có phải là thủ phạm khiến cổ chúng không có lông.
“Quá trình tiến hóa khiến các loài gia cầm mất lông một cách dễ dàng nếu chúng sống trong môi trường nóng và kích thước cơ thể của chúng lớn”, Headon nhận định.
Theo.VNexpress
Tin liên quan:
- Màng bọc thực phẩm “Yummy Plastic” từ vỏ trái cây (01-07-2024)
- Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn bắt đầu từ 1/7/2025 (14-06-2024)
- Từ hộp sữa gạo nghĩ về hướng đi cho lúa Japonica (20-06-2024)