Những năm gần đây, thịt lợn rừng trở thành món đặc sản. Xuất phát từ nhu cầu của thực khách, một số nhà hàng không ngại móc nối với cánh thợ săn để mua thịt lợn rừng về chế biến. Việc làm này đã tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật. Từ ngày những trang trại nuôi lợn rừng (lợn có nguồn gốc từ hoang dã, được thuần hóa, được cơ quan có thẩm quyền cho phép nuôi) ra đời, nhu cầu thực phẩm của con người được giải quyết, đồng thời loài lợn rừng cũng tránh được nguy cơ bị tận diệt.
 
Tại thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị), gia đình anh Nguyễn Quang Lâm là một trong số các hộ tiên phong đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng mô hình nuôi lợn rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Thực ra, không ít người dân ở thị trấn Lao Bảo có ý định nuôi lợn rừng, nhưng phần đông bà con bỏ cuộc vì thấy giá lợn giống quá cao, điểm cung cấp con giống ít, trong khi kinh nghiệm chăn nuôi lại chưa nhiều. Thế nên, ai cũng thán phục khi hay tin anh Nguyễn Quang Lâm trú tại thôn Tân Kim lặn lội sang Thái Lan, rồi vào Đà Nẵng mua về 18 con lợn rừng để làm giống, trong đó riêng một con lợn đực giống đã có giá lên đến 40 triệu đồng.
 
Anh Lâm cho biết: “Trước khi quyết định nuôi lợn rừng, tôi đã tham khảo nhiều sách báo, tìm hiểu một số mô hình. Giá con giống đúng là cao thật, nhưng bù lại chi phí đầu tư vào trang trại, thức ăn, công chăm sóc lại ít tốn kém hơn so với lợn nhà nhiều. Trong khi đó, thịt lợn rừng bán được giá cao, nhu cầu của thị trường lớn, vả lại mình còn thu được một khoản kha khá từ việc bán con giống”.
 
Sau khi đưa về trang trại, anh Lâm luôn túc trực, tỉ mỉ quan sát đặc tính sinh trưởng của lợn rừng. Qua một thời gian anh nhận ra lợn rừng không thích nuôi nhốt như lợn nhà, chỗ nuôi cần nhiều ánh sáng song phải có cây bóng mát, cách xa khu dân cư, độ dốc vừa phải... Nắm bắt điều đó, anh Lâm khoanh 5.000 m2 đất bán sơn địa bằng lưới B40 để làm chuồng trại. Tận dụng vị trí các cây trồng lâu năm trong khuôn viên, anh bố trí hợp lý nơi tắm nắng, sân ăn, hệ thống vòi nước tự động...
 
Nuôi lợn rừng đòi hỏi sự kiên nhẫn, đặc biệt là lúc mới đưa loài vật này về. Lợn rừng thường rất nhát nhưng có khi chúng lại lồng lộn, tìm cách phá chuồng để thoát ra ngoài. Vì thế, trong thời gian chờ lợn thích ứng với chỗ ở mới, chủ nhân phải bình tĩnh và đối xử nhẹ nhàng với chúng. Thức ăn của lợn rừng chủ yếu là thực vật như rau, thân cây chuối, cỏ, ngô, khoai... Các loại thức ăn giàu dinh dưỡng, bột, cám được hạn chế bởi có thể làm giảm chất lượng thịt, đôi khi còn gây ra bệnh tiêu chảy ở lợn.
 
Anh Lâm cho biết: “Trung bình mỗi ngày chi phí thức ăn của một con lợn rừng mất khoảng 30 ngàn. Tuy nhiên, vì gia đình tôi trực tiếp trồng chuối, rau, cỏ... cho lợn ăn nên chi phí được giảm đi đáng kể”. Bên cạnh đó, lợn rừng là loài động vật có sức chống chịu tốt, ít khi mắc dịch bệnh. Đặc biệt, tỷ lệ mắc bệnh ở lợn rừng trưởng thành là rất hiếm. Tuy nhiên, không phải vì thế mà người nuôi phó mặc lợn cho tự nhiên; cần chú ý việc tiêm phòng đúng định kỳ, cẩn thận trong chăm sóc lợn con, bảo đảm nguồn nước và thức ăn sạch sẽ...
 
Qua gần một năm nuôi thử nghiệm, từ 18 con lợn giống ban đầu, hiện nay, đàn lợn rừng của gia đình anh Nguyễn Quang Lâm có gần 100 con; trong đó có 14 lợn mẹ, 2 đực giống. Được biết, mỗi năm, một con lợn rừng đẻ 2 lứa, mỗi lứa có từ 5 đến 6 con. Sau 4 tháng nuôi dưỡng, mỗi con lợn sẽ đạt trọng lượng từ 15 đến 30 kg và có thể xuất bán. Trên thị trường, giá trị thương phẩm của lợn rừng hiện nay là hơn 150 ngàn đồng/kg. Giá mỗi ki-lô-gam lợn rừng giống khoảng 250 ngàn đồng.
 
Hiện nay, thịt lợn rừng đang được thực khách ưa chuộng. Để phát triển mô hình nuôi lợn rừng, chính quyền và các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho người dân, bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật, quảng bá thông tin về các trang trại nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm...
 
                                                                                                                                                                                                          Theo Báo Quảng Trị