Trong những năm gần đây, sản xuất cây ăn quả có múi phải đối mặt với tình hình sâu bệnh, đất đai bị suy thoái, kỹ thuật thâm canh lạc hậu, chất lượng nguồn giống cây trồng chưa cao, sức chịu chống chịu với điều kiện ngoại cảnh và sâu bệnh thấp dẫn đến hiệu quả sản xuất cây có múi chưa cao nhất là ở các tỉnh Bắc trung bổ và trung du miền núi phía Bắc. Theo số liệu thống kê của FAO tính đến 2010, sản lượng cam quả của Việt Nam đứng vị trí thứ 16 trên bảng xếp hạng. Tính đến năm 2012, diện tích cây ăn quả cả nước là 139.300 ha, sản lượng là 1.382.600 tấn, diện tích cây có múi (Cam, Quýt, Chanh, Bưởi, Bồng..) đứng thứ nhất, sau đó là diện tích Chuối, Xoài, Nhãn và Vải, nhưng sản lượng lại đứng thứ 2, sau sản lượng Chuối.
Vấn đề chọn tạo giống cây ăn quả có múi có chất lượng cao, cho sản lượng lớn, sạch bệnh, rải vụ, thích hợp với các vùng sinh thái là vô cùng cấp thiết. Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề này, nhóm nghiên cứu do ThS. Nguyễn Xuân Hồng, Trung tâm nghiên cứu và Phát triển cây có múi, Viện Nghiên cứu Rau quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đứng đầu đã thực hiện dự án “Sản xuất thử nghiệm giống cam chín sớm CS1 ở một số tỉnh phía Bắc” nhằm bổ xung những yếu tố kỹ thuật mới, đáp ứng kịp thời yêu cầu của sản xuất, đồng thời xây dựng một số mô hình thâm canh được đầu tư chăm sóc theo những thành tựu mới về kỹ thuật, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới đến người trồng cam quýt.
Qua 4 năm (từ tháng 1/2012 đến tháng 12/2014) thực hiện dự án, bằng các nghiên cứu về giống, kỹ thuật canh tác, nghiên cứu về cắt tỉa, phân bón, thụ phấn bổ sung và các biện pháp kỹ thuật phòng ngừa sâu bệnh gây hại,... Nhóm nghiên cứu đã thu được các kết quả cơ bản như sau:
- Hoàn thiện được quy trình nhân giống cam CS1 tại Trung tâm nghiên cứu và Phát triển cây có múi: Từ nghiên cứu biện pháp kỹ thuật cắt tạo cành mẹ cung cấp mắt ghép của cây mẹ phục vụ cho quá trình nhân nhanh, nhóm nghiên cứu nhận thấy cắt cành các cấp chỉ để lại 3 mắt thì chất lượng lấy mắt ghép cũng như số lượng mắt ghéo được khai thác nhiều hơn cả. Sử dụng phân bón lá Seaweed-Rong biển 95% cho kết quả tốt nhất. Việc phòng chống sâu vẽ bùa nên tiến hành sớm ở thời điểm lộc cây mới nhú được 1-2cm là tốt nhất và có thể phun đổi thuốc giữa thuốc hóa học là Polytrin P440EC và thuốc sinh học Abatimex 4.0 EC để tránh kháng thuốc của sâu đồng thời nên dùng thuốc sinh học để bảo vệ môi trường và các loại thiên địch có lợi.
- Hoàn thiện được quy trình thâm canh cam CS1 tại Cao Phong, Hòa Bình, đạt tiêu chuẩn về chất lượng, sạch bệnh, giá thành hạ. Với việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới đạt năng suất trên 45 tấn/ha, tăng 15-20% với sản xuất đại trà. Kết thúc bón phân vào trung tuần tháng 8 đã làm tăng năng suất, phẩm chất cam Xã Đoài, đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Phun phân Seaweed qua lá cho tỷ lệ đậu quả và năng suất cao nhất. Dùng bả ENTO-PRO 150DD để phòng chống ruồi vàng đục quả cho thấy hiệu quả phòng chống là cao nhất. Các chỉ tiêu về sinh trưởng và năng suất của mô hình thâm canh đều tốt hơn so với áp dụng các quy trình kỹ thuật cũ. Năng suất ở các mô hình cao hơn so với đại trà trên 30%.
- Sản xuất được 60.000 cây giống tại Trung tâm nghiên cứu và Phát triển cây có múi. Trồng mới 4ha tại Cao Phong, Hòa Bình, Chương Mỹ, Hà Nội và Vân Hồ, Sơn La. Sản xuất 3ha thương phẩm cam SD1 tại Cao Phong, Hòa Bình và Chương Mỹ, Hà Nội. Trong đó có 2ha ở Cao Phong và 1ha tại Chương Mỹ. Năm suất trung bình đạt trung bình trên 40tấn/ha, có chất lượng tốt, sạch bệnh, đạt tiêu chuẩn TCVN 9302:2013, giá thành hạ. Cây sinh trưởng phát triển tốtm tỷ lệ bệnh giảm so với đối chứng.
- Đào tạo được gần 200 cán bộ địa phương và hộ nông dân trồng cam CS1 ở một số địa phương miền Bắc.
Giống cam chín sớm CS1 này có khả năng sinh trưởng phát triển tốt, năng suất cap, chống chịu được với các điều kiện bất thuận tốt, thời gian chín sớm hơn các giống đang trồng và phổ biến tại miền Bắc hiện nay khoảng 01 tháng. Giống cây đạt tiêu chuẩn, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận, cho phép sản xuất thử nghiệm.
Dự án đã đem lại doanh thu lớn cho các hộ trồng cam CS1, nâng cao hiệu quả kinh tế từ việc trồng cam, góp phần phát triển diện tích trồng cam quýt nói chung và cam CS1 nói riêng, làm đa đạng hóa sản phẩm và tránh được sức ép tăng giá, tăng hiệu quả sản xuất.
Theo nguồn NASATI