Với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, huyện Bình Chánh (TP.HCM) đang tích cực đưa máy xới mini, máy phun thuốc vào sản xuất trồng rau và mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Theo đó, từ năm 2009 đến nay, Trạm Khuyến nông Bình Chánh – Bình Tân (Trung tâm Khuyến nông TP.HCM) đã hỗ trợ thực hiện nhiều mô hình cơ giới hóa trên rau và chuyển giao hàng trăm máy xới mini, máy phun thuốc mang vai có động cơ cho các hộ nông dân sản xuất rau trên địa bàn huyện Bình Chánh.
Trạm Khuyến nông huyện Bình Chánh – Bình Tân nhận xét, với khâu làm đất, trước đây phải cần 5 công cuốc, chi phí hết 2 triệu đồng cho 1.000m2, thì bây giờ chỉ cần 1 người điều khiển máy xới mini trong 3 giờ là xong với diện tích này. Sau khi trừ khấu hao máy móc, mỗi vụ rau trong khâu làm đất nông dân tiết kiệm 1,2 - 1,4 triệu đồng/1.000m2.
Bà Nguyễn Thị Điểu (ấp 5, xã Hưng Long) – một hộ được hỗ trợ cơ giới hóa cho biết, trước đây, gia đình có 2.000m2 sản xuất rau cung cấp cho HTX Phước Bình và Hưng Điền. Để chuẩn bị đất trồng rau, vợ chồng chị phải cuốc đất khá vất vả và tốn nhiều công sức. Tuy nhiên, từ khi sử dụng máy xới đất mini được hỗ trợ (50% chi phí) thì thời gian xới đất được rút ngắn rất nhiều, công lao động cũng được sử dụng ít hơn.
“Trước đây phải cần 3 ngày để cuốc đất thì giờ với máy xới mini, tôi chỉ cần 2 giờ là có thể chuẩn bị xong 1.000m2 đất để gieo hạt giống cho kịp thời vụ” - chị cho biết.
Ông Phạm Văn Dũng (ấp 3, xã Quy Đức) cũng chia sẻ, việc bà con nông dân được trang bị máy móc để trồng rau đã tiết kiệm được nhiều chi phí về thời gian và công lao động… cách sử dụng cũng rất tiện lợi, nhất là máy máy phun thuốc bằng điện, chỉ cần sạc điện cho đầy là có thể sử dụng 25 – 27 bình thuốc. Do gọn nhẹ nên máy này phụ nữ cũng sử dụng rất ổn.
Theo ông Võ Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM, việc đầu tư cho mô hình cơ giới hóa trên cây rau phù hợp với nhu cầu của bà con nông dân vì kết quả thu được từ những năm trước là khá tốt. Mô hình này đã giúp cho nông dân cải thiện được tình trạng thiếu lao động, có điều kiện để tăng diện tích gieo trồng, rút ngắn thời gian làm đất gióp phần giảm chi phí đầu tư cũng như giá thành sản phẩm, qua đó tăng thu nhập cho người nông dân; hướng tới Khuyến nông thành phố tiếp tục đầu tư hỗ trợ mở rộng cơ giới hóa các ngành khác như hoa lan, cây kiểng…
Theo Sở NNPTNT, thành phố hiện có 91 xã, phường sản xuất rau với diện tích canh tác là 3.486ha. Trong đó, huyện Bình Chánh có 15 xã, diện tích 544ha, năng suất bình quân đạt 25 tấn/ha. Mới đây, UBND TP.HCM đã ký quyết định phê duyệt “Chương trình mục tiêu phát triển rau an toàn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2020”. Theo đó, tổng kinh phí thực hiện chương trình này gần 60 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách gần 44 tỷ đồng, vốn đối ứng của dân trên 16 tỷ đồng.
Theo danviet.vn
Tin liên quan:
- Màng bọc thực phẩm “Yummy Plastic” từ vỏ trái cây (01-07-2024)
- Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn bắt đầu từ 1/7/2025 (14-06-2024)
- Từ hộp sữa gạo nghĩ về hướng đi cho lúa Japonica (20-06-2024)