Phát huy thành công của dự án “Xây dựng mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa ở phía Nam” trong năm 2018, vụ Thu Đông 2019, Trung tâm Khuyến nông (TTKN) Vĩnh Long tiếp tục thực hiện dự án này với diện tích sản xuất lúa 72 ha.
TTKN Vĩnh Long đã phối hợp cùng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Vũng Liêm, cùng chính quyền địa phương chọn được 105 hộ nông dân đủ điều kiện tham gia mô hình tại 02 xã Trung An và Hiếu Thuận, huyện Vũng Liêm (Trung An 16,5ha, Hiếu Thuận 55,5ha). Bên cạnh hỗ trợ về diện tích sản xuất, dự án còn hỗ trợ cho nông dân 01 máy cấy lúa loại DUO 60 (xuất xứ Hàn Quốc, giá 160 triệu đồng/máy, mức hỗ trợ 60 triệu đồng/máy) và 10 bình phun động cơ loại bình phun 3 trong 1 hiệu Typhoon (xuất xứ Thái Lan, giá mỗi bình 3.500.000 đồng, mức hỗ trợ 1.500.000 đồng/bình).
Nông dân tham gia mô hình được tập huấn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất lúa trước khi xuống giống, sản xuất lúa theo SRI,... Mô hình thực hiện bằng phương pháp cấy áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất và thực hiện trên nền cơ sở của biện pháp 3 giảm 3 tăng/SRI. Vì vậy, nông dân cần tuân thủ ở tất cả các khâu như: làm đất, vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, cày phơi ải, trục bừa đất bằng phẳng.
Giống lúa được chọn sử dụng trong mô hình là giống OM 5451, là giống có ưu thế sản xuất trong vùng, đạt tiêu chuẩn cấp giống xác nhận 1, có chất lượng gạo phù hợp với thị trường tiêu thụ. Số lượng giống 50kg/ha làm mạ trong khay, thời gian của mạ từ 11-12 ngày tuổi đem ra cấy; Mật độ cấy 30 x 16 (cm): 3-5 tép/bụi; Số khóm (bụi) cấy/m2 là 21 khóm/m2.
Mô hình sử dụng loại phân đơn (hàm lượng nguyên chất NPK) như Ure 46% N, Lân super 18% P2O5, Kali clorua 60% K2O chia ra 4 lần bón (01 lần bón lót và 03 lần bón thúc). Quản lý nước theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Sử dụng thuốc BVTV một cách hợp lý, hiệu quả và an toàn: Quản lý dịch hại bằng biện pháp canh tác là chính, chỉ sử dụng thuốc hoá học khi thật cần thiết. Bên cạnh đó, việc thu hoạch lúa đúng độ chín cũng là yếu tố quan trọng. Ngoài ra, dự án cũng đã tập huấn cho nông dân trong mô hình về cách quản lý, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy cấy và bình phun động cơ, giúp cho họ hiểu được lợi ích của việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa để trong quá trình sử dụng đạt được hiệu quả cao nhất.
Sau thời gian triển khai thực hiện, dự án đã đạt được những kết quả khả quan.
Về mô hình sản xuất lúa, năng suất lúa trong mô hình đạt bình quân 5,8 tấn/ha, (cao hơn kết quả thực hiện năm 2018 1,04 tấn/ha), cao hơn so với ruộng sản xuất ngoài mô hình 400 kg/ha. Ngoài ra việc thực hiện gieo sạ giảm giống theo mô hình đã giúp người dân giảm được 130 kg giống/ha, giảm lượng phân bón 44 kg urê/ha, sâu bệnh giảm, do đó giảm 02 lần phun thuốc thuốc bảo vệ thực vật/ha.
Theo báo cáo, tổng chi phí cho 01 ha sản xuất lúa trong mô hình là 19.603.000 đồng, ruộng ngoài mô hình chi 20.447.000 đồng/ha. Lợi nhuận trong mô hình 7.277.000 đồng/ha, ngoài mô hình 4.932.000 đồng/ha, vì thế lợi nhuận thu được từ ruộng sản xuất theo mô hình cao hơn ngoài mô hình 2.345.000 đồng/ha.
Về dịch vụ cấy, năng suất máy cấy 03 ha/ngày trong trường hợp lượng mạ đáp ứng đầy đủ theo tiến độ, giá dịch vụ cấy (tổng thu) 4.500.000 đồng/ha, chi phí 3.285.000 đồng/ha, lợi nhuận 1.215.000 đồng/ha. Như vậy máy làm việc trong khoảng 189 ha thì sẽ hoàn vốn.
Về bình phun động cơ, năng suất làm việc 01 bình phun 05 ha/ngày, giá dịch vụ (tổng thu) 1.000.000 đồng/ha, chi phí 570.000 đồng/ha, lợi nhuận 430.000 đồng/ha; như vậy 01 bình phun làm việc trong khoảng 8 ha sẽ thu lại vốn đầu tư ban đầu.
Bên cạnh đó, dự án xây dựng được thêm 02 nhóm hộ nông dân cùng tham gia trong mô hình liên kết tại ấp Ngãi Thạnh, xã Hiếu Thuận và ấp An Hậu xã Trung An. Các nhóm được thành lập theo quyết định của UBND xã, có Ban chủ nhiệm điều hành hoạt động nhóm và có quy chế hoạt động cụ thể. Các thành viên trong mô hình liên kết lại với nhau tạo thành Nhóm nên việc canh tác lúa bước đầu có tổ chức và mang tính tập thể, trong đó, các thành viên cùng tuân thủ các quy định chung trong thực hiện các khâu sản xuất lúa như: xuống giống đồng loạt, sử dụng giống cấp xác nhận trở lên, đúng lịch thời vụ, gieo cấy cùng 01 giống lúa, bón phân cân đối và cùng các loại phân, thực hiện bón lót đầu vụ, quản lý dịch hại theo IPM, quản lý nước ngập-khô xen kẻ theo giai đoạn sinh trưởng và phát triển của lúa. Đặc biệt, việc thành lập Nhóm liên kết đã tạo cơ hội thuận lợi cho nông dân trong Nhóm ký kết được Hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa hàng hóa với HTX với giá bán cao hơn ngoài thị trường cùng thời điểm từ 100-200 đồng/kg so với sản xuất đại trà. Mặt khác, thông qua nhóm liên kết, các hộ nông dân có điều kiện trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, giúp nhau giải quyết được nhiều vấn đề khó khăn gặp phải trong sản xuất.
Theo: mard.gov.vn
Tin liên quan:
- Màng bọc thực phẩm “Yummy Plastic” từ vỏ trái cây (01-07-2024)
- Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn bắt đầu từ 1/7/2025 (14-06-2024)
- Từ hộp sữa gạo nghĩ về hướng đi cho lúa Japonica (20-06-2024)