HĐND tỉnh Hưng Yên đã thông qua Đề án Duy trì và phát triển Hệ thống thông tin điện tử hy.check.net.vn truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông lâm sản và thủy sản
Mục tiêu Đề án hướng đến là thông tin minh bạch về sản phẩm; doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, dễ dàng truy xuất nguồn gốc, giới thiệu quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu các sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn
Từ đó, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và sức khỏe người tiêu dùng; nâng cao nhận thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm; giúp nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này…
 
Theo đề án, phấn đấu đến năm 2025 Hưng Yên có trên 200 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tham gia vào hệ thống; có khoảng 30 danh mục sản phẩm của tỉnh được chứng nhận OCOP được tham gia hệ thống; chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, VietGAHP, GAP cho khoảng 70 tổ chức, cá nhân sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản; hỗ trợ duy trì, mở rộng chứng nhận VietGAP, VietGAHP, GAP cho trên 150 lượt cơ sở.
 
Hình thành trên 200 mô hình chuỗi liên kết sản xuất thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn. Đặc biệt kiểm tra, kiểm soát chất lượng khoảng 400 mẫu sản phẩm và khoảng 2 triệu tem truy xuất được gắn vào sản phẩm trước khi lưu thông trên thị trường…
 
Cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm tham gia Đề án được hỗ trợ tem, dây đai nhận diện sản phẩm cho các sản phẩm; hỗ trợ địa điểm giới thiệu bán sản phẩm thực phẩm trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ 100% kinh phí thuê phương tiện vận chuyển; hỗ trợ 50% chi thuê bao internet cho cơ sở sản xuất kinh doanh; hỗ trợ 100% kinh phí truyền thông quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin… 
 
HĐND tỉnh cũng đã thông qua Đề án Bảo tồn và phát triển vùng trồng nhãn, vải đặc sản tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”.
 
Theo đề án thì đến năm 2025 sẽ bảo đảm cơ bản nguồn gen nhãn, vải hiện có của tỉnh được kiểm kê, đánh giá; xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gen nhãn, vải; bảo tồn nguyên trạng đối với các cây nhãn, vải có chất lượng ngon, quí hiểm tại vườn của các chủ hộ sở hữu. 
Đề án đặt mục tiêu sẽ cải tạo, thay thế các vườn nhãn tạp, những cây già cỗi cho năng suất, chất lượng thấp bằng các giống nhãn đặc sản, có giá trị kinh tế cao. Trong đó, mở rộng diện tích trồng các giống nhãn đường phèn, nhãn cùi cổ chiếm từ khoảng 15 - 20% diện tích nhãn của tỉnh… Phát triển mở rộng diện tích trồng giống vải trứng Hưng Yên. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích trồng vải của tỉnh đạt từ 1.400-1500 ha; nâng cao diện tích trồng giống vải trứng Hưng Yên chiếm từ 20-30% diện tích trồng vải của tỉnh.
 
Hưng Yên sẽ thu thập, bảo tồn nguyên trạng đa dạng 45 nguồn gen nhãn và 5 nguồn gen vải tại vùng nguyên sản; đánh giá bổ sung đặc điểm sinh học, hình thái, năng suất, chất lượng quả tươi đối với 45 nguồn gen nhãn, 5 nguồn gen vải đã được thu thập.
 
Theo: nongnghiep.vn