Vụ mùa, bệnh bạc lá lúa thường xuất hiện do thời tiết nóng ẩm, mưa to gió lớn nhất là với những ruộng bón đạm nhiều, bón muộn, bón không cân đối giữa đạm, lân và kali.
 
Bệnh xuất hiện ở mép lá, cháy dọc mép từ đầu chóp cháy xuống. Thông thường vào buổi chiều, những giọt keo vi khuẩn bạc lá khô đọng lại ở mép lá màu vàng, nhỏ li ti. Đêm đến, giọt keo vi khuẩn này tan ra, chảy chạy dài theo mép lá, do tác động của gió khiến lá xây xát lan sang những lá khác. Bệnh nặng làm lúa lép lửng cao, giảm năng suất.
 
Để phòng tránh bệnh bạc lá ở lúa mùa cần chú ý tuân thủ về kỹ thuật trong biện pháp thâm canh như: Chăm bón sớm và cân đối tập trung vào giai đoạn đầu vụ. Nên bón NPK có hàm lượng kali cao, chú ý bón "nặng đầu, nhẹ cuối".
 
Trung tuần tháng 8 có đợt sâu đục thân, sâu cuốn lá hại lúa, đầu tháng 9 có lứa sâu cuốn lá và đục thân hại lá đòng, khi phun thuốc trừ sâu cần bổ sung thêm thuốc phòng, chống bạc lá bằng thuốc sasa hoặc xanthomic ở cả 2 đợt này cho những ruộng hay bị bệnh và những giống hay nhiễm bệnh bạc lá. Chỉ phun thuốc trừ bệnh khi thật cần thiết bằng thuốc Staner, Kasumin, Batuxít… theo chỉ dẫn của ngành chuyên môn.
 
(Theo tài liệu Khuyến nông - lâm)