Ngày 26-11, lễ đặt đá xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng thuộc khu vực thôn Minh Phượng, xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang đã diễn ra long trọng và trang nghiêm.
Đến dự có các đồng chí: Đào Xuân Cần, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam; Hoàng Thanh Khiết, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng TW Đảng; Hà Văn Núi, Phó Chủ tịch TW MTTQ Việt Nam; Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Hạnh, Lại Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh và đại diện nhiều cơ quan, ban, ngành, đông đảo chư tôn, giáo phẩm, tăng ni phật tử, du khách xa gần.
Yên Dũng là vùng đất thiêng, địa linh nhân kiệt, có bề dày lịch sử văn hoá và truyền thống. Nơi đây có chốn tổ Vĩnh Nghiêm là Trung tâm Phật giáo lớn thời nhà Trần- nơi ba vị tổ Thiền phái Trúc Lâm (Sơ Tổ- Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Nhị Tổ- Pháp Loa, Tam Tổ- Huyền Quang) đều về đây hành đạo giảng dạy Kinh pháp cho tăng ni phật tử; nơi in ấn Kinh sách lưu truyền trong nhân gian, là trung tâm điều hành của Thiền phái Trúc Lâm, Trường Đại học Phật giáo đầu tiên của nước Đại Việt.
Yên Dũng cũng tự hào với mảnh đất huyền thoại 99 con chim phượng hoàng gắn với dải Nham Biền kỳ vĩ. Trên dãy núi ấy, cây cối quanh năm xanh mát, linh khí mạnh mẽ, dồi dào, nơi cho muôn loài tụ hội.
Thể theo tâm nguyện của của nhân dân- Phật tử địa phương muốn xây dựng một Thiền viện tu theo Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử; sau khi được sự đồng thuận của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự tỉnh hội Phật Giáo Bắc Giang và UBND các cấp (tỉnh, huyện, xã) cho phép Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên làm chủ đầu tư xây dựng công trình. Lễ đặt đá xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng đã chính thức được khởi công .
Công trình Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng có tổng kinh phí khoảng 100 tỷ đồng thông qua phương thức xã hội hóa. Công trình có tổng diện tích 10ha, bao gồm những hạng mục chính như: Tháp chuông, lầu trống; Nhà chính điện; Nhà thờ tổ; Nhà trưng bày, nhà khách; Thiền đường và các công trình phụ trợ.
Việc xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng sẽ bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị phi vật thể của Thiền Phái Trúc Lâm. Sau khi xây dựng xong công trình sẽ là nơi lưu giữ nhiều thư tịch, văn hóa phật giáo đặc sắc và giá trị, phục vụ cho tất cả mọi người có nhu cầu tìm hiểu về đạo Phật. Bên cạnh đó, tạo thêm cảnh quan du lịch sinh thái, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh tín ngưỡng của nhân dân, lưu giữ, phát huy và tiếp nối tư tưởng của dòng thiền Trúc Lâm.
Tin liên quan:
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây theo công nghệ Hàn Quốc (12-11-2024)
- Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của huyện Lục Nam (21-10-2024)
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (28-08-2024)