Phú quý giật lùi
Tại Nghệ An, cây cam đặc biệt phát triển mạnh vào những năm 60 - 70 của thế kỷ trước. Trong khoảng thời gian này, cam xứ Nghệ được cánh thương lái và người tiêu dùng khắp cả nước ưa chuộng, thậm chí có những thời điểm được xuất khẩu sang cả các nước Đông Âu cũ với khối lượng lên đến hàng nghìn tấn/năm.
Trong hệ thống cam Vinh lúc bấy giờ cam Xã Đoài đứng đầu bảng. Thời điểm hưng thịnh nhất là giai đoạn 1960 - 1980, lúc này dù công nghệ và quy trình vẫn còn thô sơ nhưng nhiều hộ trồng cam vẫn đạt năng suất đến 80 - 90 kg quả/cây.
Trước kia cam Xã Đoài được trồng chủ yếu trong đất thổ cư, đất vườn, nơi có độ dốc thấp từ 0 – 30 độ. Vườn cam trồng thuần rất ít, chủ yếu trồng xen với chanh và các cây ăn quả khác. Đến nay, cây cam đã trồng phổ biến ở các các dạng địa hình khác nhau, từ bằng phẳng đến đồi dốc dưới 10 độ.
Kế đó là cam Vân Du, hầu hết các gia đình đều xác định đây là giống cây chiến lược. Cam Vân Du có đặc tính khỏe cây, quả to, năng suất cao, có thể thích nghi trên mọi loại đất và phát triển ổn định trong mọi yếu tố khí hậu.
Trong khi đó, dù đảm bảo về chất lượng nhưng cam Sông Con không duy trì được sự ổn định vì tính thích nghi kém, nhất là khi di chuyển khỏi vùng “đất mẹ” Tân Kỳ. Mãi về sau khi tận dụng tốt công năng của các tiến bộ kỹ thuật, cam Sông Con mới dần dà khắc phục được nhược điểm.
Sau cùng là giống cam V2 được chọn tạo bởi Viện Di truyền Nông nghiệp, giống này được trồng thử nghiệm đầu tiên ở vùng Phủ Quỳ.
Cam V2 cho thấy nhiều tính năng vượt trội, nổi bật là khả năng thích nghi rộng, kháng bệnh tốt, rất ít hạt (0 - 5 hạt/quả).
Bên cạnh đó, cam V2 rất dễ bảo quản, thời gian bảo quản trên cây lâu, thành phần và chất lượng nước được đánh giá tuyệt hảo.
Nhìn chung nghề trồng cam trước kia mang lại giá trị kinh tế cao cho các tổ chức, cá nhân. Đặc biệt là sau cột mốc ngày 31/5/2007 khi Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 386/QĐ-SHTT về việc cấp “Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 000012 cho sản phẩm cam quả của tỉnh Nghệ An”. Sau thời điểm này, giá cam tăng gấp 10 lần so với trước kia, từ 7.000 đồng/kg năm 2010 lên 60.000 – 70.000 đồng/kg.
Không phải ngẫu nhiên cây cam là một trong 10 cây trồng chủ lực của tỉnh Nghệ An, đồng thời được quy hoạch phát triển “vùng cam tập trung từ nay đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” nhằm mục đích tạo ra vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung.