Theo cách tính về tiết khí thì chuỗi ngày từ 7/7 - 7/8/2019 ứng với hai tiết Tiểu Thử và Đại Thử. Nghĩa là các ruộng lúa giai đoạn đẻ nhánh - làm đòng ở miền Tây sẽ đối mặt với chuỗi 30 ngày nóng nhất trong năm.
Tiết Tiểu Thử và Đại Thử là gì?
 
Tiểu Thử và Đại Thử là 2 trong số 24 tiết khí trong năm tính theo ngày dương lịch. Mỗi tiết ứng với 15 ngày, cụ thể Tiểu Thử xuất hiện từ 7/7 - 22/7 và Đại Thử từ 23/7 đến 7/8.
 
Từ “Thử” ở đây có nghĩa là nóng, Tiểu Thử là nóng ở cường độ nhẹ còn Đại Thử là nóng gay gắt. Cao điểm của đợt hạn này là những ngày đầu tháng 8/2019, mà theo dân gian thường gọi là đợt “hạn bà chằn”. Thời tiết trong những ngày này thường khô hạn và không có mưa.
 
Chăm sóc cây lúa trong chuỗi ngày nắng nóng
 
Hiện tại, các trà lúa ở Miền Tây đang tập trung nhiều ở giai đoạn đẻ nhánh tối đa đến làm đòng và một phần diện tích ở giai đoạn mạ. Bài viết sẽ thông tin những vấn đề phát sinh khi cây lúa bước vào tiết nóng cho đến khi kết thúc tiết nóng
 
Đầu tiết nóng từ 7/7 - 22/7
 
Do thời tiết vừa dứt các cơn mưa dầm ở tiết trước nên khi chớm qua tiết nóng thì ẩm độ không khí sẽ tăng cao, kết hợp với điều kiện nhiệt độ lý tưởng cho các loại dịch hại sau đây phát triển mạnh
 
Đối với lúa giai đoạn mạ: cần quan tâm quản lý bọ trĩ đầu vụ.
 
Đối với lúa giai đoạn đẻ nhánh - làm đòng: Chú ý nhất bệnh đạo ôn kết hợp vi khuẩn do ở giai đoạn trước bà con bón phân đợt 2 kết hợp với điều kiện thời tiết mưa dầm nhiều ngày nên xu hướng ruộng lúa thừa phân là tất yếu. Chủ động phun ngừa thật sớm tránh để khi bệnh xuất hiện mới phun thuốc do kinh nghiệm hằng năm cho thấy với kiểu chuyển biến thời tiết như vầy thì bệnh sẽ lây lan rất nhanh cứu không kịp.
Bên cạnh đó, các loại sâu hại sẽ bùng phát đặc biệt là sâu đục thân, chúng tấn công làm giảm số chồi hữu hiệu dẫn đến ảnh hưởng năng suất lúa về sau.
 
Trong tiết nóng từ 23/7 - 7/8
 
Giai đoạn cao điểm nắng nóng và khô hạn, cần chú ý những vấn đê sau
 
Đối với lúa đẻ nhánh: Chú ý cách bón phân cho lúa để hạn chế hiện tượng mất phân trong tiết nóng. Có thể áp dụng giải pháp rải phân trên nền ẩm như sau: Bơm nước vào ruộng phủ gò, ngâm qua đêm rồi tháo hết nước ra, sau đó tiến hành rải phân.
 
Theo nhà nông Đinh Văn Tuấn (Kiên Hảo - Kiên Giang) thì cách này sẽ hạn chế mất phân so với cách rải trên nền ngập nước, vì khi rải phân trên nền nước phân sẽ tan hết vào nước và bốc hơi nhanh hơn khi gặp nắng nóng, còn rải nền ẩm thì phân tan chậm, lúa ăn từ từ, cây lúa xanh bền hơn và chân ruộng thoáng hơn ít lá chân. Sau 3, 4 ngày nếu thấy ruộng quá khô thì bơm nước vào.
 
Kinh nghiệm của nhà nông Mai Văn Phẩm (Vị Thủy - Hậu Giang) là chia nhỏ lượng phân và tăng số lần bón phân để giúp cây lúa có thể sử dụng phân bón tốt hơn. Cụ thể lúa OM 5451 giai đoạn 20 tuổi ngày vừa dặm vá xong, thường anh bón 15 ký (5 ure - 7 DAP - 3 Kali). Nhưng trong tiết nóng anh bón 10 ký (3 ure - 5 DAP - 2 kali) trên nền nước, sau đó 5 ngày anh Phẩm xả khô ruộng và bón lượng phân còn lại trên nền ruộng ẩm. Anh Phẩm chia sẻ: “Lúa sẽ tốt và xanh bền hơn, cây mập và mọc thêm một lớp rễ trắng tinh trên mặt ruộng”.
Đối với các chân ruộng đã chắt nước khô lâu ngày cần chú ý vấn đề xì phèn mà đặc biệt là phèn nhôm gây hiện tượng vàng cam lá lúa rất phổ biến hiện nay, nhà nông hay lầm tưởng là bệnh vàng lùn do rầy nâu truyền virus.
 
Triệu chứng vàng cam thường xuất hiện ở các ruộng để khô nứt nẻ sau đó cho nước vào vô tình đưa phèn lên rễ lúa, hoặc các ruộng có tầng canh tác mỏng, rễ lúa đâm sâu xuống đất tầm 1 tấc đã đụng tần phèn gây ngộ độc.
 
Khi lúa bị vàng cam, bà con chú ý cải thiện bằng cách rải phân trên nền ẩm như cách trên, kết hợp bổ sung dinh dưỡng qua lá để giúp lúa phục hồi, nếu để lâu, dần dần triệu chứng vàng sẽ lan đến đọt lúa non làm chết cả cây, cả bụi.
 
Đối với các trà lúa làm đòng: Cần chú ý nhất đối tượng nhện gié, tiết nóng làm cho nhện gié nhân mật số rất nhanh và tấn công vào bông lúa khi còn trong bắp, nhện gié ăn nhị đực của hạt lúa làm cho bông lúa khi trổ ra bị lép hoàn toàn. Bà con nên phun thuốc trừ nhện gié lần 1 ở giai đoạn này.
 
Thêm vào đó, kết hợp xử lý bệnh đốm vằn - loại bệnh cũng rất thường xuất hiện trong tiết nóng, do giai đoạn này, các lá chân của cây lúa và những chồi vô hiệu bị chết ở dưới gốc sẽ là nơi để bệnh đốm vằn phát sinh phát triển gây hại.
 
Sau tiết nóng:
 
Theo quan sát hằng năm, sau khi kết thúc tiết nóng Tiểu Thử và Đại Thử thì thời tiết sẽ xuất hiện những cơn mưa lớn, mực nước tăng nhanh. Dân gian có câu “Tiểu Thử, Đại Thử, chuột chết đuối” đã giải thích thêm về điều kiện thời tiết ở giai đoạn này.
 
Do nắng nóng chuyển sang mưa gió nên các bệnh vi khuẩn như cháy bìa lá, sọc trong sẽ có khuynh hướng tăng mạnh, bà con cần chủ động phun ngừa cho cây lúa, nên phun thuốc trị vi khuẩn vào buổi chiều và nhớ thay mới nước ruộng trước khi phun thuốc.
 
Lúa ở giai đoạn này cũng bước vào giai đoạn trổ, kết hợp quản lý đạo ôn cổ bông và nhện gié lần 2.
Lưu ý, bà con không nên ra đồng khi thời tiết từ nắng gắt chuyển sang mưa để đề phòng các tia sét.
 
Tiếp tục đề phòng nguy cơ xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc.
 
Xin chúc nhà nông có nhiều thông tin hữu ích để chăm sóc cây lúa vượt qua chuỗi ngày nắng nóng, tạo tiền đề năng suất cho một vụ mùa thắng lợi!
 
Tiết khí mùa Hạ bao gồm: Tiết Lập Hạ, tiết Tiểu Mãn, tiết Mang Chủng, tiết Hạ Chí, tiết Tiểu Thử và tiết Đại Thử.
 
Tiết Tiểu Thử có thể rơi vào ngày 7/7 hoặc 8/7 dương lịch hàng năm. Đây là thời điểm thời tiết đã khá nóng nhưng vẫn chưa phải là lúc nóng nhất nên gọi là Tiểu Thử.
 
Tiết Đại Thử có thể rơi vào ngày 22/7 hoặc 23/7 dương lịch hàng năm. Đại Thử là tiết khí nóng nhất trong năm, nắng oi ả. Nguyên nhân của hiện tượng này là ảnh hưởng của các cơn bão, áp thấp nhiệt đới.
 
Theo Nongnghiep.vn