Đặc điểm chung của các giống lúa lai này là:
- Thuộc lọai lúa lai 3 dòng, có độ thuần tốt, dễ sản xuất hạt giống, năng suất hạt F1 từ 2 - 2,5 t/ha.
- Thời gian sinh trưởng 90 - 105 ngày, dạng hình thân thấp, lá ngắn, cứng cây chống đổ ngã, giấu bông, đẻ khỏe 400 - 650 bông/m2, bông to 100 - 130 hạt chắc/bông, trọng lượng 1.000 hạt 24 - 28 g.
- Tiềm năng năng suất cao. Năng suất lý thuyết của các giống lúa lai từ 11 - 14,5 tấn/ha, năng suất gặt mẫu từ 9 - 13 tấn/ha, trong khi đối chứng lúa lai chỉ đạt 8,6 tấn/ha đối chứng lúa thường 7,5 tấn/ha.
Ba giống lúa lai cho năng suất đầu bảng là Nam Ưu 101 (13,1 tấn/ha), Nam Ưu 1051 (11,8 tấn/ha), Nam Ưu 901 (11,1 tấn/ha). Cho đến nay chưa có số liệu thí nghiệm nào về lúa thuần và cả lúa lai có năng suất 11 - 12 tấn/ha ở ĐBSCL. Do đó có thể nói thế hệ giống lúa lai mới này đã vượt được trần năng suất lúa ở ĐBSCL.
- Tích hợp được nhiều gene kháng và chống chịu với các lọai sâu bệnh nguy hiểm của các vùng sinh thái trồng lúa nước ta như rầy nâu, bệnh vàng lùn do virus, bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá. Nhiều giống lúa lai còn được chuyển gene Xa 21 kháng mạnh và bền đối với bệnh bạc lá.
- Dạng hạt gạo thon dài, không bạc bụng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Chất lượng cơm ăn từ mức trung bình bình trở lên, một số giống có mùi thơm nhẹ, cơm dẻo mềm vị ngọt như các giống lúa đặc sản .
Những giống lúa lai thế hệ mới này có dòng mẹ chọn tạo từ nguồn gene nhiệt đới của IRRI-Ấn Độ, có tính kháng sâu bệnh và chất lượng cơm gạo tốt, dòng bố chọn tạo từ nguồn gene Trung Quốc tính phối hợp tốt cho ưu thế lai năng suất cao.
Khảo nghiệm tác giả của công ty trong 3 năm 2008, 2009 và 2010 cho thấy những giống mã số 901, 842, 1067 có tính thích nghi rộng, có thể trồng được 2 vụ xuân mùa ở miền Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung và vụ ĐX ở ĐBSCL cho năng suất hơn các đối chứng lúa lai 5 - 10% và lúa thuần 15 - 25%.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Mai Thành Phụng - chuyên viên khuyến nông quốc gia, ThS. Nguyễn Quốc Lý - Giám đốc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống và sản phẩm cây trồng phía Nam nhận định đây là những giống lúa lai có năng suất đột phá, nhiều đặc điểm nông học và chất lượng gạo cơm tốt. Các đại biểu cũng đề nghị một số giải pháp để đưa nhanh những giống lúa lai thế hệ mới này vào sản xuất.
Báo Nông nghiệp Việt Nam.
Tin liên quan:
- Hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa chét đối với các vùng bị ngập lụt sau thiên tai tại các tỉnh phía Bắc (21-10-2024)
- Kiểm tra mô hình sản xuất lúa ứng dụng mạ khay – máy cấy kết hợp với sơ chế và liên kết tiêu thụ sản phẩm Nếp cái hoa vàng tại huyện Hiệp Hòa (02-08-2024)
- Sở Nông nghiệp và PTNT: Chủ động phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây lúa vụ Chiêm Xuân (06-05-2024)