Hiện nay, phần lớn giống lúa lai đưa vào gieo cấy phải nhập từ nước ngoài nên có giá bán cao, tăng chi phí đầu vào cho nông dân. Vì vậy, việc nhân giống thành công hạt lai F1 ở một số xã trên địa bàn huyện Tân Yên (Bắc Giang) đã mở ra triển vọng cung cấp nguồn giống lúa lai tại chỗ, đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Lợi nhuận gấp đôi
Vụ xuân năm nay, gia đình chị Dương Thị Liên, thôn Trám, xã Phúc Sơn cấy 4 sào lúa lai giống GS9. Đây là vụ thứ 3 liên tiếp chị làm lúa lai giống (hạt lai F1). Do có kinh nghiệm cùng sự hướng dẫn kỹ thuật tỉ mỉ của các chuyên gia Trung Quốc thường xuyên có mặt trên đồng ruộng nên lúa sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất đạt khoảng 1,3 tạ/sào. Sản phẩm khi thu hoạch được Công ty cổ phần Đại Thành thu mua với giá 25 nghìn đồng/kg, lợi nhuận khoảng 3 triệu đồng/sào, tăng gấp đôi so với cấy lúa thương phẩm.
Không chỉ gia đình chị Liên, hộ ông Lương Đức Toàn cùng thôn cũng cấy 5 sào lúa giống. Những năm trước ông chỉ biết cấy lúa xong rồi bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh cho cây và đến khi lúa chín thì gặt. Do đó, vụ đầu sản xuất nghe cán bộ kỹ thuật nói cây lúa bố, lúa mẹ, hàng rào bảo vệ, ô thí nghiệm ông rất bỡ ngỡ. Đến khi bắt tay vào làm thực tế ông đã vỡ lẽ cụ thể ra sao và thực hiện thành thục quy trình. Dẫn khách tham quan thửa ruộng nhà mình, ông Toàn cho biết: "Trước đây, mỗi thửa mỗi nơi. Từ khi làm lúa giống tôi đã dồn vào còn hai ruộng. Nghề này phải kỳ công bởi nhiều công đoạn đòi hỏi người sản xuất cẩn thận, tỉ mỉ như: Phun hoá chất xử lý sinh trưởng để kéo dài cây bố, giúp cây mẹ trỗ thoát bẹ, rồi gạt phấn, tung phấn từ hàng lúa bố sang lúa mẹ... Nhất là ngày ngày phải bám bờ, bám thửa để không bỏ lỡ thời điểm thụ phấn dù công việc có bận rộn đến mấy".
Được biết, vụ xuân năm nay, ngoài Công ty cổ phần Đại Thành còn có Công ty TNHH Giống cây trồng Giang Nam (Hà Nội) liên kết với nông dân các xã Phúc Sơn, Việt Ngọc, Lam Cốt, Ngọc Thiện của huyện Tân Yên sản xuất hơn 20 ha hạt giống lúa lai. Mặc dù giai đoạn lúa trỗ bông gặp đợt nắng nóng gay gắt nhưng năng suất lúa bình quân vẫn đạt gần 3 tấn/ha, cá biệt có diện tích đạt 4 tấn/ha.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn thì đây là vùng có năng suất lý tưởng, cao nhất cả nước về sản xuất hạt lai. Ông Nguyễn Như Hải, Trưởng phòng Cây lương thực, cây thực phẩm (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết mỗi năm nước ta phải nhập khẩu khoảng 12 nghìn tấn giống lúa lai từ nước ngoài, chiếm 80% tổng lượng giống lúa lai gieo cấy. Để giảm bớt lượng nhập khẩu, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề ra kế hoạch đến năm 2015 cả nước sẽ có 5 nghìn ha sản xuất hạt lai.
Chủ trương này đã được một số cơ quan chuyên môn thực hiện và đưa vào sản xuất tại một số tỉnh như Thái Nguyên, Thanh Hoá, Đắc Lắc nhưng lúa đều cho năng suất thấp hơn và không ổn định so với Bắc Giang. Vì vậy, với nhiều yếu tố thuận lợi, tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ mở rộng diện tích này, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, chủ động nguồn giống cung ứng theo nhu cầu.
Để sản xuất hạt lai phát triển bền vững
Cách đây ba năm, Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng (Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội) đã khảo sát trên địa bàn huyện Tân Yên và đánh giá nơi đây có điều kiện phù hợp cho sản xuất hạt lai như: Tưới tiêu thuận lợi, có thể quy hoạch thành vùng sản xuất lúa giống lớn và dễ dàng cách ly, tránh hiện tượng lẫn giống. Thêm vào đó, nông dân cần cù, năng động, sáng tạo, có kinh nghiệm trong việc áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Vì vậy, vụ mùa năm 2011, Viện cùng Công ty TNHH Giống cây trồng Giang Nam đã sản xuất thử nghiệm hạt lúa lai VL 24 do chuyên gia trong nước nghiên cứu, chọn tạo với diện tích gần 4 ha tại thôn Trám. Ngay vụ đó, lúa thể hiện nhiều ưu thế, phù hợp với đồng đất địa phương, năng suất đạt từ 3,2-3,7 tấn/ha.
Để có thêm độ tin cậy, vụ mùa năm 2012, Viện tiếp tục cùng Công ty Giang Nam sản xuất thử nghiệm thêm hai loại giống lúa lai mới là VL50, LC212 với diện tích 21 ha và cũng thu được những kết quả tương tự. Qua đó đã khẳng định Tân Yên có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp với việc sản xuất hạt lai.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì quá trình sản xuất đã nảy sinh bất cập, đó là nguồn nước cung cấp đôi khi chưa kịp thời; có sự chênh lệch lớn về năng suất giữa các chân ruộng trên cùng một khu sản xuất.
Nguyên nhân của tình trạng này là do một số hộ không làm đúng yêu cầu kỹ thuật của chuyên gia về số lần phun, cách phun, thời điểm phun chế phẩm GA3; chưa tuân thủ phương pháp thụ phấn bổ sung; hạ tầng vùng gieo cấy chưa được đầu tư đồng bộ, lịch cung cấp nước của thuỷ nông chưa đáp ứng với đặc thù sản xuất lúa giống.
Sản xuất hạt lai là kỹ thuật khó, đòi hỏi người lao động phải dày công, am hiểu quy trình, chỉ cần sơ suất nhỏ có thể thất thu. Ông Trần Văn Tú, Phó trưởng Phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng trước hết cần có sự tham gia của doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm khi thu hoạch và cam kết hỗ trợ thiệt hại khi gặp rủi ro để nông dân yên tâm sản xuất.
Cùng đó, ngoài trợ giá giống, vật tư, doanh nghiệp nên hỗ trợ nông dân một phần ngày công lao động bởi làm lúa giống vất vả hơn so với cấy lúa thông thường; nên mở lớp tập huấn và đào tạo nghề bài bản về sản xuất hạt lai cho nông dân. Ngoài ra, người dân phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật. Chính quyền sở tại cần làm tốt khâu dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch lại kênh mương, giao thông nội đồng phục vụ tốt nhất cho sản xuất; quan tâm đầu tư xây dựng khu chế biến sau thu hoạch và tiến tới xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho vùng sản xuất hạt giống lúa lai.
Trịnh Lan
Tin liên quan:
- Hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa chét đối với các vùng bị ngập lụt sau thiên tai tại các tỉnh phía Bắc (21-10-2024)
- Kiểm tra mô hình sản xuất lúa ứng dụng mạ khay – máy cấy kết hợp với sơ chế và liên kết tiêu thụ sản phẩm Nếp cái hoa vàng tại huyện Hiệp Hòa (02-08-2024)
- Sở Nông nghiệp và PTNT: Chủ động phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây lúa vụ Chiêm Xuân (06-05-2024)