Huyện Yên Dũng có diện tích 9623 ha đất nông nghiệp có đến 7384 ha là đất trồng lúa (chiếm 76,7%). Diện tích gieo cấy lúa hàng năm là 14540 ha, năng suất lúa bình quân cả năm đạt 58,9 tạ/ha, sản lượng lúa đạt trên 90 nghìn tấn. Với điều kiện thuận lợi mỗi năm huyện được tỉnh phê duyệt đưa nhiều đề tài, dự án về các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất thử nghiệm nhằm tìm ra các giống lúa có năng suất và chất lượng ổn định để nâng cao hiệu quả sản xuất cho bà con nông dân.
Từ năm 2009-2010, được sự hỗ trợ của Sở khoa học và công nghệ, dự án “Xây dựng và đề xuất hệ thống quản lý nhãn hiệu tập thể gạo thơm Yên Dũng” được triển khai tại huyện đã tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng tình hình sản xuất, kinh doanh sản phẩm Gạo thơm Yên Dũng và được  Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ký quyết định cấp văn bằng bảo hộ quyền đối với NHTT gạo thơm Yên Dũng; Để tiếp tục bảo vệ uy tín, nâng  cao khả năng của sản phẩm gạo thơm trên thị trường năm 2013-2014, Bộ KH&CN đã phê duyệt dự án “Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Gạo thơm Yên Dũng” của huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang”.
 
Sau khi triển khai, dự án đã phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Yên Dũng triển khai các nội dung của dự án như: Tổ chức tập huấn cho gần 600 lượt người về kỹ thuật canh tác lúa thơm theo hướng VietGAP, kiến thức về sở hữu trí tuệ; kiện toàn tổ chức hội sản xuất và tiêu thụ gạo thơm Yên dũng, kết nạp thêm 200 hội viên nâng tổng số hội viên toàn huyện lên gần 300 người. Xây dựng quy trình kỹ thuật thâm canh (các giai đoạn sản xuất gạo thơm từ nguồn gốc, đặc điểm sinh học của giống, thời vụ gieo cấy, kỹ thuật làm mạ, chăm sóc đến phòng trừ sâu bệnh) các giống gạo thơm dựa trên cơ sở các quy trình chuẩn đã được công bố và có chỉnh sửa, bổ xung cho phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương. Căn cứ vào các quy trình này, người dân có thể sản xuất được sản phẩm gạo thơm đảm bảo về chất lượng, năng suất.
 
Thực tế cho thấy sản xuất lúa thơm tại huyện Yên Dũng tập trung gồm một số loại giống như: Hương Thơm số 1, Bắc Thơm số 7, T 10 (là các giống có ưu điểm như: Cứng cây, chống đổ tốt đồng thời kháng chịu được một số loại sâu bệnh; Năng suất tương đương với lúa thuần nhưng giá trị kinh tế cao hơn gần 40%. Sản phẩm gạo trắng, đồng đều, có mùi thơm đặc biệt, ăn ngon hơn các loại gạo). Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện thì những giống lúa này khi canh tác trên địa bàn đều được áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến như: cấy lúa theo phương pháp SRI, "3 giảm, 3 tăng", đặt đèn dự báo sâu bệnh được triển khai rộng rãi giúp nông dân giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật mà vẫn bảo đảm năng suất. Hơn nữa nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa thơm nên năng suất lúa thơm không ngừng được tăng lên năm 2007 năng suất chỉ đạt 51,5 tạ/ha đến năm 2013 năng suất đã đạt 56 tạ/ha. Hiện nay, các giống lúa thơm có giá gạo gấp 1,2 -1,3 lần so với gạo thường ở địa phương nên có hiệu quả kinh tế cao.
 
Để bảo đảm chất lượng sản phẩm, huyện đã hình thành một số vùng sản xuất lúa hàng hoá quy mô lớn như: xã Tư Mại (376 ha), Cảnh Thuỵ, Đức Giang, Tiến Dũng… cùng với đó là phát triển song song việc quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể gạo thơm sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất lúa thơm.
 
Ngoài ra còn  nhiều đề tài, dự án như: Dự án “Nghiên cứu, lựa chọn giống lúa có năng suất và chất lượng bổ sung vào cơ cấu giống lúa của tỉnh, phục vụ xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tỉnh Bắc Giang”, “ Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhân rộng mô hình giống lúa thuần BG 6 mới, năng suất cao, chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp hàng hóa, góp phần đảm bảo an ninh lương thực của tỉnh Bắc Giang” và các đề án phát triển lúa lai khác do huyện triển khai được đưa vào sản xuất. Bằng cách làm đó, sản phẩm lúa thơm của địa phương đã từng bước khẳng định được chất lượng, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng./.
 
Hoàng Thoa