Để giảm công lao động, hầu hết nông dân sử dụng thuốc trừ cỏ trong trồng trọt. Việc lạm dụng loại hoá chất này đang gây ra nhiều hệ luỵ, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái và sức khỏe con người.
Có cỏ là phun thuốc
Gia đình ông Thân Văn Thương, thôn Thiết Nham, xã Minh Đức (Việt Yên) thường trồng một mẫu lạc mỗi vụ. Trước đây, để ngăn cỏ mọc, ông mất vài ngày nhổ, vạc mới hết. Thế nhưng, khoảng 5 năm qua, khi lên luống, lấp đất xong, ông phun ngay thuốc trừ cỏ. Công việc này một người làm trong một ngày đã hoàn tất. Trên ruộng lúa sau cấy vài ngày, ông Thương trộn thuốc lẫn với cát vãi xuống ruộng, không dùng nạo cỏ như trước.
Hiện nay, hàng nghìn hộ nông dân trên địa bàn tỉnh cũng làm theo cách trên. Không chỉ trong sản xuất, đi trên một số tuyến phố tại TP Bắc Giang nhiều người bắt gặp đơn vị quản lý dùng thuốc diệt cỏ trên vỉa hè mà đáng lẽ phát dọn thủ công. Để dòng chảy thông thoáng, một số công ty thủy nông phun thuốc trừ cỏ diệt bèo, cỏ dại bám ở bờ kênh, mương.
Tại khu vực miền núi, bà con sử dụng nhóm thuốc cỏ cháy để diệt cỏ trên nương, bãi. Bà Nguyễn Thị Luận, bản Làng Dưới, xã Xuân Lương (Yên Thế) cho biết: "Cỏ trên đồi, dưới rẫy mọc rất nhanh, hôm trước phát quang hôm sau đã mọc chồi non. Thế nên, từ khi biết đến loại thuốc trừ cỏ cháy, tôi chỉ bỏ ra vài chục nghìn đồng mua một liều phun, sau đó đốt mồi lửa là xong”. Tìm hiểu tại xã Vân Sơn (Sơn Động), nhiều hộ dân cũng dùng thuốc trừ cỏ trong canh tác, coi đây là biện pháp hữu hiệu, nhanh chóng để diệt cỏ.
Hiện cơ quan chuyên môn chưa có số liệu tính toán về lượng thuốc diệt cỏ sử dụng mỗi năm trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi đa số nông dân dùng thuốc trừ cỏ cho lúa, hoa màu. Tại những vùng chuyên canh rau ở xã Đông Lỗ (Hiệp Hoà), Chu Điện, Bảo Đài (Lục Nam), Thái Đào (Lạng Giang), thuốc trừ cỏ được dùng phổ biến, dùng nhiều lần trong một năm.
Theo đánh giá của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, nông dân đang sử dụng thuốc diệt cỏ tràn lan, không quan tâm làm cỏ sục bùn cho lúa, nhổ cỏ trên ruộng rau màu. Thậm chí có người còn nghĩ càng tăng nồng độ thì hiệu quả càng cao nên phun không theo hướng dẫn trên bao bì. Thuốc trừ cỏ đã giúp nông dân đỡ vất vả, tiết kiệm công lao động. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều người có thời gian rảnh rỗi nhưng không làm cỏ bằng biện pháp thủ công, lạm dụng quá mức hoá chất, phun thuốc cả trên bờ, dưới ruộng.
Nhân rộng phương thức canh tác an toàn
Việc sử dụng thuốc trừ cỏ tràn lan ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ cộng đồng, trước tiên là người trực tiếp sử dụng. Khi phun trên kênh mương, hoạt chất tan theo nước, chảy đến nơi khác và tích tụ trong động vật thuỷ sinh. Nếu con người ăn thịt của động vật này thì cơ thể bị nhiễm hoá chất. Hoạt chất trong thuốc trừ cỏ là loại cực độc song chỉ hấp thu qua cây trồng một tỷ lệ nhỏ, còn lại thấm vào đất, hòa vào nước.
Thuốc trừ cỏ còn tiêu diệt vi sinh vật có ích, gây mất cân bằng sinh thái. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình hình sâu bệnh trên cây trồng ngày càng diễn biến phức tạp và phát sinh nhiều đối tượng mới. Điển hình là bệnh vàng lá Bắc Giang gây hại trên lúa. Bệnh này do vi rút gây ra, có tốc độ lây lan rất nhanh và thường phát sinh trong vụ mùa, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Thực tế cho thấy nhận thức được những tác hại của thuốc trừ cỏ, khắc phục khó khăn về nhân lực, một số chủ trang trại đã dùng, máy làm cỏ mi ni song số lượng còn ít. Ông Nguyễn Xuân Giang, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Đồng Xanh, xã Lan Giới (Tân Yên) cho biết: "Đơn vị chúng tôi chuyên sản xuất, kinh doanh rau an toàn với diện tích gần 5 ha. Để sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng chúng tôi không dùng thuốc trừ cỏ. Nếu làm cỏ thủ công trên diện tích lớn thì tốn rất nhiều thời gian, công sức. Vì vậy, Công ty đã chi hơn 30 triệu đồng mua một máy băm cỏ có công suất làm việc bằng 8-9 người".
Nhằm hạn chế những tác động tiêu cực, Chi cục BVTV tỉnh khuyến cáo nông dân chú trọng thực hiện các biện pháp canh tác an toàn. Bà Đỗ Thị Luyến, Chi cục phó Chi cục BVTV cho biết: "Đối với lúa nên cấy thẳng hàng theo băng. Sau cấy 15 ngày bà con nên làm cỏ sục bùn thủ công. Cách làm này tăng kích thích ô xy trong đất, tạo môi trường thuận lợi vi sinh vật có ích phát triển, phòng bệnh nghẹt rễ lúa”.
Đối với cây màu nên mở rộng diện tích làm đất tối thiểu, tận dụng rơm rạ che phủ bề mặt luống, vừa giữ ẩm vừa hạn chế cỏ mọc. Đi đôi với biện pháp trên, về phía người dân khi sử dụng thuốc BVTV cần tuân thủ nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng nồng độ, đúng thời điểm và kỹ thuật) để nâng cao hiệu quả phòng trừ sâu bệnh; nêu cao vai trò của các tổ chức chính trị, đoàn thể cơ sở trong việc tuyên truyền, khuyến cáo người dân sử dụng thuốc BVTV an toàn.
Trong các lớp dạy nghề cho nông dân nên lồng ghép nội dung nói về tác hại của thuốc BVTV, từ đó người dân có trách nhiệm bảo vệ sức khoẻ của chính bản thân và môi trường; tuyệt đối không phun thuốc trừ cỏ để diệt bèo, cây cối trên mương máng.
Hoạt chất trong thuốc trừ cỏ là loại cực độc song chỉ hấp thu qua cây trồng một tỷ lệ nhỏ, còn lại thấm vào đất, hòa vào nước. Thuốc trừ cỏ còn tiêu diệt vi sinh vật có ích, gây mất cân bằng sinh thái.
Trịnh Lan
Tin liên quan:
- Hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa chét đối với các vùng bị ngập lụt sau thiên tai tại các tỉnh phía Bắc (21-10-2024)
- Kiểm tra mô hình sản xuất lúa ứng dụng mạ khay – máy cấy kết hợp với sơ chế và liên kết tiêu thụ sản phẩm Nếp cái hoa vàng tại huyện Hiệp Hòa (02-08-2024)
- Sở Nông nghiệp và PTNT: Chủ động phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây lúa vụ Chiêm Xuân (06-05-2024)