Nếp cái hoa vàng là giống bản địa chất lượng cao, được gieo cấy ở vùng đồng bằng, trung du Bắc bộ, cho gạo trắng, xôi dẻo, thơm, ngon.
Hà Nội đã mở rộng 36.750 ha lúa hàng hóa chất lượng cao tại 14 huyện, với các vùng nếp cái hoa vàng Đông Anh, Sóc Sơn; vùng Bắc thơm 7 Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Mỹ Đức; vùng Hương thơm số 1 Phúc Thọ, Chương Mỹ. Riêng nếp cái hoa vàng, thành phố có trên 1.000 ha.
Để đảm bảo SX vụ mùa 2015 thắng lợi, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã khuyến cáo các HTXNN vận động xã viên thực hiện tốt nội dung hướng dẫn kỹ thuật sau:
Thâm canh nếp cái hoa vàng - 1
Nếp cái hoa vàng là giống bản địa chất lượng cao, được gieo cấy ở vùng đồng bằng, trung du Bắc bộ.
Giống phản ứng với ánh sáng ngày ngắn nên chỉ gieo cấy trong vụ mùa. Chiều cao cây 150 - 180 cm; cứng cây, dạng cây gọn, đẻ nhánh khỏe. Hạt tròn, màu vàng nâu sẫm, khối lượng 1.000 hạt từ 30 - 32 gram.
Gạo trắng, xôi dẻo, thơm, ngon. Năng suất trung bình 45 - 50 tạ/ha, thâm canh cao có thể đạt 55 - 60 tạ/ha. Thích hợp chân đất vàn và vàn thấp.
Thời vụ: Gieo mạ từ 15 - 20/6; cấy xong trước 10/7 (tuổi mạ khi cấy 16 - 20 ngày).
Giai đoạn mạ
+ Hạt giống: Phơi lại trong nắng nhẹ từ 4 - 6 giờ.
+ Ngâm, ủ: Cho thóc vào ngâm đến khi hạt hút đủ nước, trong quá trình ngâm cứ 6 - 8 giờ thay nước một lần. Sau đó vớt rửa sạch nước chua và ủ bằng thúng, bao tải, định kỳ vảy nước và trộn đảo để nảy mầm đều và phát triển cân đối.
+ Phương pháp làm mạ ruộng: Chọn chân cao dễ thoát nước. Đất cày, bừa ngả sớm, bừa nhuyễn, bằng phẳng, sạch cỏ, lên luống rộng 1,4 - 1,6 m, cao 20 - 25 cm, rãnh rộng 20 - 30 cm, mặt luống hơi vồng (gồ sống trâu) để dễ thoát nước.
Bón lót: 150 - 200 kg phân chuồng hoai mục + 15 kg supe lân/sào Bắc bộ (360 m2). Lượng giống 30 - 36 kg thóc giống /360 m2 (khoảng 0,1 kg/1m2).
Giai đoạn lúa
+ Làm đất: Làm đất kỹ, nhặt sạch cỏ dại, bón đủ phân lót, san phẳng, để lắng bùn 1 - 2 ngày trước khi cấy.
+ Kỹ thuật cấy: Tuổi mạ khi cấy từ 3,5 - 5 lá. Mật độ cấy 15 - 20 khóm/m2, cấy 1 dảnh/khóm. Cấy theo băng, luống: Chiều rộng không vượt quá 2 m. Cấy nông tay. Mực nước trên ruộng từ 3 - 5 cm để mạ nhanh bén rễ hồi xanh.
Phân bón và phương pháp bón
+ Lượng phân thông thường: Phân chuồng hoai mục: 200 - 250 kg/sào (nếu không có phân chuồng có thể thay thế phân hữu cơ vi sinh theo tỷ lệ 1 kg phân hữu cơ vi sinh tương đương 3 kg phân chuồng hoai mục). Super lân hoặc phân lân lung chảy 15 - 20 kg/sào, Kaliclorua 3 - 4 kg/sào, urê 2 - 3 kg/sào.
+ Phương pháp bón: Phân chuồng bón 100% trước khi bừa cấy. Bón lót 100% phân lân + 40% lượng đạm urê. Bón thúc lần 1 (sau khi lúa bén rễ hồi xanh) 50% lượng phân đạm urê + 50% lượng kaliclorua.
Bón thúc lần 2 (lúa phân hóa đòng cứt gián): Bón nốt 10% lượng phân đạm + 50% phân Kaliclorua. Quan sát màu sắc cây lúa để quyết định lượng phân đạm bón hay không bón.
Điều tiết nước theo phương pháp xen kẽ
+ Giữ nước lần 1: Luôn giữ mực nước trên mặt ruộng 2 - 2,5 cm từ khi cấy đến sau bón phân thúc phân lần 1 từ 3 - 4 ngày.
+ Rút nước lần 1: Sau khi bón phân thúc lần 1 từ 3 - 4 ngày tiến hành tháo cạn hết nước trên ruộng, để ruộng cạn liên tục ở mức độ nẻ, đi vào ruộng chỉ hơi lún đất. Nếu ruộng khô thì tưới ẩm bằng cách cho nước vào các rãnh, không giữ nước trên mặt ruộng để cạn đến khi lúa bắt đầu phân hóa đòng.
+ Giữ nước lần 2: Khi lúa phân hóa đòng tiến hành tưới nước để bón phân thúc lần 2 và luôn giữ mực nước trên mặt ruộng 2 - 3 cm đến khi lúa chín sáp.
+ Rút nước lần 2: Từ khi lúa chín sáp (chắc xanh) đến thu hoạch.
Phòng trừ sâu bệnh
+ Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, xác định đối tượng sâu bệnh; mật độ sâu, tỷ lệ bệnh.
+ Sâu đục thân 2 chấm: Phun phòng trừ sâu đục thân 2 chấm lần 1 (xung quanh 25/9 để bảo vệ đồng lúa) và lần 2 (sau lần 1 khoảng 7 ngày để bảo vệ bông lúa), sử dụng một trong các loại thuốc sau: Virtako 40WG, Alocbale 40EC, Regent 800WG, Enasin 32WP… Nồng độ và liều lượng theo hướng dẫn ghi trên vỏ bao bì thuốc.
+ Rầy các loại: Kiểm tra đồng ruộng nếu mật độ rầy trên 1.500 con/m2 trở lên thì phun một trong các loại thuốc sau: Actara 25WG, Superista 25EC, Winter 625EC, Penalty Gold 50EC…
+ Bệnh khô vằn hại lúa: Kiểm tra đồng ruộng nếu tỉ lệ bệnh > 20% số dảnh giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng sử dụng một trong các loại thuốc đặc hiệu như Anvil 5EC, Fam-ertil 300EC, Tinix 250EC…
+ Chuột hại: Do giống chín muộn nên thường bị chuột hại nặng thời kỳ trước thu hoạch. Để phòng trừ kết hợp các biện pháp thủ công bằng bẫy bán nguyệt và đánh bả sinh học trong suốt thời gian sinh trưởng.
Thu hoạch, bảo quản
Tiến hành thu hoạch khi lúa chín hoàn toàn, thời tiết nắng ráo. Sau khi thu hoạch đem tuốt lấy hạt, phơi dày, phơi đồng, luống. Trong trường hợp thu hoạch về chưa phơi được ngay (gặp trời mưa) cần rải mỏng để thóc không bị ẩm mốc, nảy mầm. Thường phơi trong 2 - 3 nắng rồi đem bảo quản.
Thu Trang
Tin liên quan:
- Hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa chét đối với các vùng bị ngập lụt sau thiên tai tại các tỉnh phía Bắc (21-10-2024)
- Kiểm tra mô hình sản xuất lúa ứng dụng mạ khay – máy cấy kết hợp với sơ chế và liên kết tiêu thụ sản phẩm Nếp cái hoa vàng tại huyện Hiệp Hòa (02-08-2024)
- Sở Nông nghiệp và PTNT: Chủ động phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây lúa vụ Chiêm Xuân (06-05-2024)