Nhằm giúp nông dân tiếp thu những tiến bộ kỹ thuật về các giống lúa mới ngắn ngày có năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu của nông dân về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, năm 2016, Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Hiệp Hòa và Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Quốc tế (Hà Nội) - đơn vị độc quyền phân phối, xây dựng mô hình cánh đồng mẫu sản xuất giống lúa Bắc hương 9, với quy mô 30ha, tại thôn Tân Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Hiệp Hòa. Tham gia mô hình, nông dân được UBND huyện trích kinh phí hỗ trợ một phần giá giống, phân bón.
Bắc hương 9 là giống lúa chất lượng cao được Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép sản xuất thử từ đầu năm 2016, với nhiều ưu điểm, giống lúa này đã được hơn 200 nông dân thôn Tân Sơn, xã Hùng Sơn đồng loạt xuống giống trong vụ xuân năm 2016.
Kết quả đánh giá qua thực tế sản xuất vụ xuân năm 2016 cho thấy: Giống lúa Bắc hương 9 phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương; sinh trưởng và phát triển tốt; đẻ nhánh khỏe, đẻ tập trung, trung bình 210 bông/m2; số hạt chắc/bông đạt 160 hạt, tỷ lệ lép chỉ 12,1%; bông to, cho chất lượng gạo cao, cơm ngon, khi nguội cơm vẫn mềm, có mùi thơm; cây có thời gian sinh trưởng khoảng 125-130 ngày. Ngoài ra, giống Bắc hương 9 còn có khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh, chống đổ tốt. Đặc biệt, với bộ lá lòng mo, cứng đứng, thông thoáng, giống Bắc hương 9 chống chịu tốt với các loại sâu bệnh hại phổ biến như: Không bị nhiễm với bệnh đạo ôn, không xuất hiện bệnh bạc lá. Năng suất bình quân đạt 230 kg/sào (tương đương khoảng 64 tạ/ha), cao hơn giống đối chứng Khang dân 18 khoảng 33kg/sào (tương đương 9,2 tạ/ha ). Tỷ lệ gạo xay sát cao, chất lượng cơm ngon, thóc thương phẩm dễ bán. Hạch toán chi phí, khi trồng giống Bắc hương 9 cho lãi 143.940 đồng/sào (tương đương 4,03 triệu đồng/ha), trong khi đó, giống Khang dân 18 năng suất đạt thấp hơn, phẩm cấp cơm gạo thấp nên giá bán nông sản thấp, người sản xuất bị lỗ 255.980 đồng/sào.
Theo bà Trần Thị Lý, thôn Tân Sơn: “Khu ruộng nhà tôi thuộc diện trũng nhất cánh đồng, chẳng khi nào bề mặt ráo nước. Năm ngoái, tôi cấy giống Khang dân 18, gặp gió lớn cây đổ hàng loạt. Vợ chồng phải bì bõm lội buộc lúa. Khi cấy giống lúa Bắc hương 9, thấy cây chống đổ tốt, ngoài ra, giống không chịu thâm canh quá cao, thậm chí còn thấp hơn cả Khang dân 18. Khả năng chống chịu sâu bệnh cũng khá tốt nên chỉ việc phun thuốc bảo vệ thực vật đồng loạt một lần là xong”.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn: “Bắc hương 9 đến kỳ thu hoạch, cây vẫn giữ được lá lòng mo, cứng đứng, chống chịu tốt với các loại sâu bệnh hại phổ biến; đặc biệt là không nhiễm đạo ôn trong khi các giống lúa khác tại vùng lân cận vẫn phải phòng trừ. Không thấy xuất hiện bệnh bạc lá. Giống lúa này làm tôi rất ấn tượng bởi hương thơm khá đặc trưng, vị đậm, cơm xuê không bị dính, để nguội ăn vẫn mềm”.
Ông Vũ Đình Phượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang đánh giá: “Ngoài năng suất khá và cơm ngon, hàm lượng dinh dưỡng của gạo Bắc hương 9 cũng cao hơn nhiều các loại gạo thông thường. Bởi vậy giá bán bao giờ cũng cao hơn.
Trong cơ cấu giống lúa của Bắc Giang, tỷ lệ giống chất lượng cao mới chỉ chiếm 50%, vì vậy, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo các địa phương mở rộng sản xuất giống Bắc hương 9 để thay thế các giống có chất lượng gạo phẩm cấp thấp, trung bình”.
Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, mô hình này đã được tổ chức thực hiện rất bài bản và cho ra sản phẩm chất lượng tốt, năng suất tương đối khá. Tuy nhiên, để tăng hiệu quả và phát triển bền vững, cần mời gọi doanh nghiệp vào cuộc để bao tiêu sản phẩm cho bà con (từ thiết kế bao bì, nhãn mác, bảo quản, chế biến, vận chuyển). Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Quốc tế cần tiếp tục phối hợp với địa phương mở rộng vùng sản xuất lúa giống Bắc hương 9, để nâng cao đời sống cho nông dân.
Có thể thấy rằng, dồn điền đổi thửa, quy hoạch lại đồng ruộng là khâu đột phá để sản xuất lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất làm giảm nhân công lao động, giảm chi phí, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Việc đưa giống lúa Bắc hương 9 có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, xây dựng cánh đồng mẫu theo chuỗi giá trị là phù hợp với chủ trương của tỉnh, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở địa phương./.
HT
Tin liên quan:
- Hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa chét đối với các vùng bị ngập lụt sau thiên tai tại các tỉnh phía Bắc (21-10-2024)
- Kiểm tra mô hình sản xuất lúa ứng dụng mạ khay – máy cấy kết hợp với sơ chế và liên kết tiêu thụ sản phẩm Nếp cái hoa vàng tại huyện Hiệp Hòa (02-08-2024)
- Sở Nông nghiệp và PTNT: Chủ động phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây lúa vụ Chiêm Xuân (06-05-2024)