Những năm gần đây, cùng với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng cánh đồng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang đã tích cực đưa máy móc vào đồng ruộng nhằm giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất, giải quyết một phần tình trạng thiếu hụt lao động nông nghiệp lúc mùa vụ và nâng cao thu nhập cho nông dân.
Xác định cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa quyết định đến việc bảo đảm thời vụ và tăng hệ số sử dụng ruộng đất, đem lại hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích đất canh tác, vụ chiêm xuân 2017, huyện Hiệp Hòa đã phối hợp với Trung tâm Chuyển giao công nghệ - Viện Nông nghiệp Việt Nam triển khai thí điểm đề án “Ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp trong khâu gieo mạ và cấy lúa bằng máy”.
Mô hình được thực hiện với quy mô 45ha tại cánh đồng mẫu xã Danh Thắng huyện Hiệp Hòa, sử dụng giống lúa Hương thơm Kinh Bắc. Tham gia mô hình, người dân được hỗ trợ 75% kinh phí máy móc thiết bị; 100% giống; 50% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; đồng thời, được các kỹ sư của Công ty TNHH máy nông nghiệp và khuyến nông Hà Nội (HAMCO) trực tiếp hướng dẫn các kỹ thuật sử dụng gieo mạ và cấy lúa bằng máy cấy lúa 8 hàng HAMCO 2Z-8238BG-E-D, đây là sản phẩm được sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam, được Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam cấp nhãn hiệu hàng hóa độc quyền và được Nhà nước hỗ trợ vay vốn theo Quyết định số 68/2013/QĐ - TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.
Hiện tại, bà con nông dân đang triển khai gieo mạ trên khay bằng máy gieo mạ HAMCO. Việc gieo mạ trên khay bằng thiết bị máy móc là tiền đề để đảm bảo phục vụ cho khâu cấy lúa bằng máy. Bởi để máy cấy vận hành được cần đồng bộ từ khâu làm mạ. Mạ phải gieo trên khay đặc thù phù hợp với cấu tạo máy. Như vậy, việc các hộ phải liên kết với nhau cùng gieo mạ, cấy cùng giống trên diện tích lớn mới đem lại hiệu quả trong sản xuất.
Thực tế hiện nay, trong sản xuất lúa, bà con nông dân các địa phương mới chỉ ứng dụng cơ giới hóa vào 2 khâu đó là khâu làm đất và khâu thu hoạch, còn lại khâu gieo mạ và cấy lúa phải làm thủ công, do đó, việc mạnh dạn đưa cơ giới hóa ứng dụng vào 2 khâu gieo mạ và cấy lúa sẽ góp phần tạo quy trình sản xuất khép kín, tạo điều kiện hình thành được vùng sản xuất lớn, giảm chi phí ngày công lao động đồng thời nâng cao năng suất cây trồng./.
HT
Tin liên quan:
- Hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa chét đối với các vùng bị ngập lụt sau thiên tai tại các tỉnh phía Bắc (21-10-2024)
- Kiểm tra mô hình sản xuất lúa ứng dụng mạ khay – máy cấy kết hợp với sơ chế và liên kết tiêu thụ sản phẩm Nếp cái hoa vàng tại huyện Hiệp Hòa (02-08-2024)
- Sở Nông nghiệp và PTNT: Chủ động phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây lúa vụ Chiêm Xuân (06-05-2024)