Công bằng nhìn nhận, những năm gần đây, Quảng Bình đã chú trọng đến công tác quản lý nhà nước về giống, nhất là giống lúa. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng lúa hàng năm.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục…
Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có duy nhất Cty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình (thuộc Tổng Cty Nông nghiệp Quảng Bình) có đủ cơ sở vật chất, nhân lực bảo đảm thực hiện công tác nghiên cứu, chọn tạo giống lúa mới, SX và cung ứng giống lúa.
Theo TS Nguyễn Xuân Kỳ, GĐ công ty, trong những năm qua, DN đã đầu tư chiều sâu về công tác chọn tạo giống mới với yêu cầu đặt ra là “năng suất cao - chất lượng tốt- ngắn ngày”. Công ty phối hợp với các Viện nghiên cứu, trường đại học hàng năm chọn tạo từ 3 đến 5 giống lúa mới đưa vào khảo nghiệm trên đồng đất Quảng Bình cũng như các tỉnh bạn. Nhiều giống mới được nông dân ghi nhận, đưa vào cơ cấu giống chủ lực, như PC6, Gia Lộc 105, SV 181, XT28…
Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã có 12 giống lúa mới lọt vào cơ cấu SX vụ ĐX và HT. Giai đoạn từ năm 2015-2017, đã đưa hơn 20 giống lúa vào SX thử, trình diễn trên địa bàn. Nhờ đó, nông dân Quảng Bình có điều kiện tiếp cận các tiến bộ KHKT về giống, SX chuyển dịch dần theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, tăng năng suất, tăng thu nhập trên diện tích canh tác.
Sở NN-PTNT Quảng Bình cho biết, hàng năm, số giống lúa kỹ thuật (nguyên chủng và xác nhận) cung ứng trên địa bàn chiếm tỷ lệ trên 70%. Trong đó, giống lúa chất lượng cao vụ ĐX chiếm 60 - 65%, vụ HT 70 - 75%, đây là tỷ lệ khá cao so với các tỉnh xung quanh.
TS Nguyễn Xuân Kỳ cũng cho biết, do biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, công ty luôn chuẩn bị một lượng giống lúa ngắn ngày, cực ngắn ngày, chất lượng khá, như PC6, SV181... dự trữ để đề phòng SX gặp bất lợi gây ngập úng hay rét đậm rét hại kéo dài không gieo được, phải gieo lại hoặc gặp hạn hán thiếu nước SX đầu vụ HT.
Vụ ĐX 2016-2017 vừa qua, các DN, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực cung ứng 20 giống lúa dài, trung và ngắn ngày, trong đó có 10 giống lúa chất lượng cao. Cơ cấu giống lúa của Quảng Bình phân chia khá rõ nét. Các giống lúa có diện tích gieo cấy từ 3.000 ha/giống trở lên gồm P6, PC6, X21, Xi23, từ 1.000 đến 3.000 ha gồm SV181, HT1, KD18...
Định hướng bộ giống lúa của Quảng Bình tới đây là giảm tỷ lệ giống lúa dài ngày và tăng giống trung ngày, ngắn ngày trong vụ ĐX; vụ HT chủ lực là giống cực ngắn ngày (dưới 90 ngày), đảm bảo thu hoạch trước ngày 2/9 hàng năm. Trên cơ sở đó, chú trọng đến các giống lúa chất lượng cao.
Ông Phan Văn Khoa, GĐ Sở NN-PTNT Quảng Bình cho hay: “Năm 2017, tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao trên toàn tỉnh đạt trên 60% diện tích gieo cấy. Một số địa phương có cơ cấu giống chất lượng cao với diện tích lớn như Đồng Hới (trên 70%), TX Ba Đồn (gần 70%), Tuyên Hóa (trên 65%)…”.
Việc cơ cấu giống lúa năng suất, chất lượng vào trên đồng ruộng đã tạo cho nông dân tâm lý phấn khởi. Năng suất lúa bình quân của Quảng Bình hàng năm đạt cao, có năm vượt 65 tạ/ha. Ông Nguyễn Tiến Hoàng, nông dân xã Phong Thủy (Lệ Thủy) cho biết: "Nhà tôi có gần 2ha ruộng, dung các giống P6, PC6, SV181… cho năng suất cao, nhiều vụ đạt trên 80 tạ/ha. Năng suất cao, chất lượng gạo ngon thì nông dân mới có lãi, yên tâm SX, không bỏ ruộng đồng”.
Theo nongnghiep.vn
Tin liên quan:
- Hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa chét đối với các vùng bị ngập lụt sau thiên tai tại các tỉnh phía Bắc (21-10-2024)
- Kiểm tra mô hình sản xuất lúa ứng dụng mạ khay – máy cấy kết hợp với sơ chế và liên kết tiêu thụ sản phẩm Nếp cái hoa vàng tại huyện Hiệp Hòa (02-08-2024)
- Sở Nông nghiệp và PTNT: Chủ động phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây lúa vụ Chiêm Xuân (06-05-2024)