Theo Chi cục trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh, toàn tỉnh có 2.000ha lúa nhiễm bệnh đốm nâu, tiêm lửa; tập trung ở huyện Lộc Hà (569ha); Kỳ Anh, Thạch Hà, Nghi Xuân...
Mặc dù đang giai đoạn “nhạy cảm” nhất (làm đòng, trổ bông), quyết định cho sự thành bại của vụ lúa xuân 2018, nhưng  dịch bệnh đốm nâu, tiêm lửa phát sinh, khiến nông dân Hà Tĩnh đứng ngồi không yên, lo ngại lặp lại sự cố mất mùa lúa lịch sử như vụ xuân 2017.
 
Bùng phát thành dịch
 
Ngày 12/4, chúng tôi thực tế dọc các xã Thạch Châu, Tân Lộc, Ích Hậu, Phù Lưu..., huyện Lộc Hà. Khung cảnh chung là màu vàng cháy của lá lúa phủ kín các cánh đồng.
Anh Lưu Văn Tuần, thôn Thống Nhất có diện tích lúa nhiều nhất nhì xã Ích Hậu, thở dài thườn thượt bảo: “Bây giờ còn gì nữa đâu. Lá lúa cháy khô, rễ không phát triển, còn cái lá cuối cùng ôm đòng cũng bắt đầu lấm chấm nhiễm bệnh cả. Vụ ni mất trắng hơn chục tấn lúa là cái chắc”. Anh Tuần cho biết, hơn 30 năm làm ruộng chưa bao giờ anh chứng kiến bệnh đốm nâu, tiêm lửa bùng phát thành dịch như đợt này.
 
Lập gia đình, vợ chồng anh được chia 2 sào ruộng. Để có tiền nuôi con cái ăn học, anh chị thuê thêm 8,8 mẫu ruộng (88 sào) để canh tác. Vụ xuân 2017, cả Hà Tĩnh mất mùa nhưng nhờ chủ động phun thuốc nên diện tích nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông không đáng kể, vẫn đạt hơn 2,5 tạ/sào.
 
Đến vụ xuân 2018, theo khuyến cáo, gia đình anh gieo cấy 5 mẫu giống lúa VT- NA2; 4 mẫu giống Xuân Mai, Khang Dân. Quá trình chăm sóc, anh thường xuyên thăm đồng. Khoảng giữa tháng 1/2018 (âm lịch), anh phát hiện lúa có biểu hiện bị bệnh nên mua thuốc về phun phòng đạo ôn lá, một tuần sau anh phun lại đợt 2 thì lúa bắt đầu cháy lá đồng loạt.
 
Xác định lúa không phải bị đạo ôn lá, anh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn ra các đại lý mua thuốc phòng trừ bệnh đốm nâu, tiêm lửa về phun tiếp 2 lần. Tuy nhiên, mọi nỗ lực đều bằng 0. Bệnh đã “di căn” giai đoạn cuối. “Tính đến nay tôi đã bỏ ra hơn 10 triệu bạc mua thuốc về phun 5 lần. Các nhà chuyên môn cũng đã về kiểm tra, lấy mẫu đi xét nghiệm, thậm chí đưa thuốc BVTV về thử các công thức để phun xuống ruộng nhưng đều không đạt hiệu quả. Thực tình tôi chưa thấy bệnh nào khó chữa như bệnh này”, anh Tuần nói.
 
Khi được hỏi về nguy cơ thiệt hại, anh Tuần lắc đầu ngán ngẩm: “Trong 9 mẫu thì có 5 mẫu 90% là mất trắng, 4 mẫu còn lại tỷ lệ nhiễm bệnh cũng đã lên đến 30 – 40% và đang tiếp tục lây lan nên chưa biết thế nào. Nếu vụ này thất thu, tính sơ sơ tiền cày bừa, phân bón, thuốc BVTV và trả tiền thuê ruộng cũng mất gần 100 triệu. Nông dân chỉ nhìn vào hạt lúa mà nay lúa như thế thì nghèo đói cầm chắc”.  
 
Nông dân hoang mang
Ngồi cạnh anh Tuần, hộ anh Lê Văn Ngọc cùng thôn cấy 3 mẫu lúa thì có đến 2,5 mẫu nhiễm bệnh. Mặc dù đã phun đi phun lại đến 7 lần thuốc BVTV nhưng bệnh vẫn lây lan, có nguy cơ mất trắng. Ông Đặng Quang Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Ích Hậu thông tin, toàn xã có 200/491ha lúa xuân nhiễm bệnh đốm nâu, tiêm lửa. Đáng ngại là huyện, xã cũng như cơ quan chuyên môn sau nhiều lần chỉ đạo các giải pháp phòng trừ cũng đành...bó tay, nhìn dịch bệnh lây lan.
 
“Trong số 200ha nhiễm bệnh đợt này có đến 70ha nguy cơ mất trắng. Hiện bà con hết sức hoang mang, chúng tôi thì lo ngại bệnh sẽ lưu hành, ảnh hưởng vụ hè thu tới”, ông Bắc nhấn mạnh. Còn Phó trưởng phòng NN- PTNT huyện Lộc Hà, ông Phan Văn Thanh cho rằng: “Dịch bệnh đốm nâu, tiêm lửa ảnh hưởng năng suất là chắc chắn”. Tuy nhiên, lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh lại bảo: “Lá ôm đòng chưa ảnh hưởng nên đang tiếp tục theo dõi”.
Với diễn biến bệnh như hiện nay, nông dân Hà Tĩnh đang hết sức lo lắng. Họ lo lặp lại kịch bản mất mùa như vụ xuân 2017 dẫn đến thiếu gạo ăn trong mùa giáp hạt, phần nữa lo không có giống sản xuất vụ hè thu 2018.  Vì vậy, lãnh đạo huyện Lộc Hà, xã Ích Hậu và người dân kiến nghị các cơ quan chuyên môn Trung ương, tỉnh kịp thời về kiểm tra, tìm ra một loại thuốc đặc trị để phòng trừ bệnh đốm nâu, tiêm lửa, bởi các loại thuốc BVTV khuyến cáo đều đã phun nhưng không hiệu quả. Ngoài ra, mong muốn tỉnh hỗ trợ giống lúa cho bà con vụ hè thu 2018.
 
Theo Chi cục trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh, toàn tỉnh có 2.000ha lúa nhiễm bệnh đốm nâu, tiêm lửa; tập trung ở huyện Lộc Hà (569ha); Kỳ Anh, Thạch Hà, Nghi Xuân...; diện tích nhiễm bệnh thường nằm ở các xã ven biển.  Nguyên nhân do quá trình thâm canh của người dân chưa tốt, nên nấm bán ngoại sinh ký sinh gây hại. Ngoài ra, hơn 1.100ha lúa cũng đang bị vàng khô chóp đầu lá. Đây là biểu hiện sinh lý do chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm đột ngột.
 
Theo nongnghiep.vn