Nhằm tạo điều kiện để sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững và nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, huyện Lục Nam đang tập trung thực hiện mô hình cánh đồng mẫu (CĐM). Thực tế triển khai, cách làm này đã mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với sản xuất đại trà.
Nếu như trước đây, 9 mẫu cấy lúa của gia đình anh Tạ Ngọc An, thôn Cẩm Y, xã Tiên Hưng nằm rải rác tại 6 thửa ở các xứ đồng thì nay diện tích trên đã được đưa về một thửa. Kết quả là do việc triển khai có hiệu quả công tác dồn điền, đổi thửa (DĐĐT). Nhiệm vụ này được địa phương xác định là yếu tố quan trọng để hình thành những CĐM.
Khảo sát cho thấy, sau 3 năm thực hiện, huyện Lục Nam đã DĐĐT được hơn 1.481 ha, vượt so với kế hoạch của tỉnh. Trong đó, một số xã đạt kết quả cao như: Vũ Xá hơn 512 ha, Bắc Lũng 435 ha…
Sau dồn đổi số thửa bình quân trên hộ giảm trung bình từ 15 thửa xuống còn từ 1-4 thửa. Việc làm trên đã khắc phục được sự manh mún về ruộng đất, tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Cùng với DĐĐT, các xã, thị trấn đã gắn với quy hoạch chỉnh trang đồng ruộng, giao thông, thủy lợi nội đồng. Theo đó, toàn huyện đã làm mới, cải tạo hơn 100 km đường nội đồng, gần 72 km kênh mương, 1.225 chiếc cống với kinh phí gần 6,6 tỷ đồng.
Từ kết quả của việc DĐĐT, mô hình CĐM đã sớm được hình thành ở nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Theo Phòng Nông nghiệp –PTNT huyện, đến nay địa phương đã và đang xây dựng 33 mô hình CĐM có quy mô từ 20-50 ha. Trong đó, 24 mô hình đã hoàn thành với tổng diện tích hơn 574 ha. Các mô hình trên canh tác chủ yếu các giống lúa chất lượng, lúa lai, lạc, dưa hấu, hành và khoai tây.
Đánh giá về hiệu quả của mô hình CĐM, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện cho biết: Do các mô hình được áp dụng 100% cơ giới hóa trong các khâu làm đất, thu hoạch; gieo trồng cùng giống, cùng thời vụ nên chất lượng sản phẩm và năng suất cao hơn sản xuất đại trà từ 10-20%.
Trong các công thức luân canh, công thức chuyên rau màu cho hiệu quả cao hơn sản xuất đại trà bình quân 22 triệu đồng/ha; lúa- màu là 10,5 triệu đồng/ha và chuyên lúa là 8,6 triệu đồng/ha. Điển hình như cánh đồng sản xuất khoai tây chế biến thôn Trung Đồng, xã Bảo Đài; cánh đồng dưa hấu thôn Bình A, xã Chu Điện; cánh đồng lúa chất lượng thôn Vũ Trù Làng, xã Vũ Xá…
Được biết, 100% CĐM có liên kết với doanh nghiệp trong các khâu: Cung ứng vật tư nông nghiệp, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Qua đây đã góp phần tạo ra vùng nguyên liệu phục vụ chế biến ổn định với quy mô tập trung tại các xã như Bảo Đài, Đông Phú, Đông Hưng, Vũ Xá và Cẩm Lý.
Có thể thấy, hiệu quả việc triển khai mô hình CĐM rất rõ bởi đây là mô hình sản xuất tập trung có sự liên kết chặt chẽ. Đặc biệt, với cách làm này đã giúp bà con nông dân giảm được chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng và tạo cho người nông dân từng bước xóa bỏ thói quen canh tác lạc hậu, thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún hướng đến sản xuất hàng hóa tập trung. Kết quả từ mô hình này là kinh nghiệm để Lục Nam tiếp tục nhân rộng, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Theo BGĐT
Tin liên quan:
- Hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa chét đối với các vùng bị ngập lụt sau thiên tai tại các tỉnh phía Bắc (21-10-2024)
- Kiểm tra mô hình sản xuất lúa ứng dụng mạ khay – máy cấy kết hợp với sơ chế và liên kết tiêu thụ sản phẩm Nếp cái hoa vàng tại huyện Hiệp Hòa (02-08-2024)
- Sở Nông nghiệp và PTNT: Chủ động phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây lúa vụ Chiêm Xuân (06-05-2024)