Theo kế hoạch, diện tích gieo sạ vụ lúa Hè Thu 2018 của toàn huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang là 36.655 ha. Hiện nay đã gieo sạ dứt điểm, trong đó, giai đoạn mạ là 70 ha, giai đoạn đẻ nhánh 4.765 ha, làm đòng là 18.642 ha, trỗ-chín 13.178 ha.
Đến thời điểm này, do điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, mưa bão, hơn nữa trà lúa Hè Thu trên toàn huyện chủ yếu giai đoạn đòng đến trỗ-chín, đây cũng là điều kiện thích hợp cho bệnh thối lép hạt vi khuẩn (hay còn gọi là bệnh lép vàng vi khuẩn) phát sinh và gây hại. Theo kết quả điều tra phát hiện tình hình dịch hại trên cây lúa tuần qua, toàn huyện có 1.214 ha lúa nhiễm bệnh thối hạt do vi khuẩn, với tỷ lệ 5-10%; phân bố ở các xã Tân Hiệp B, Thạnh Đông A, Tân Hội và Tân Thành.
 
Bệnh do vi khuẩn Pseudomonas glumae gây ra. Bệnh tấn công trên cây lúa ở ruộng thừa đạm và ẩm độ không khí cao; thường phát triển mạnh trong vụ Hè Thu. Mầm bệnh vi khuẩn lưu tồn trên các bộ phận cây lúa bị bệnh; mầm bệnh cũng thường được tìm thấy trong không khí, đất và nước. Vi khuẩn cũng tồn tại trên cỏ dại trong đồng ruộng và ngay cả trên rơm rạ của vụ trước bị nhiễm bệnh và được chôn vùi trong ruộng.
 
Theo PGS. TS Nguyễn Văn Kim thì vi khuẩn gây bệnh lép vàng có cách xâm nhiễm như sau: “Vào giai đoạn lúa sắp trổ thì trước đó đã có vi khuẩn từ nơi khác lây lan lên lá lúa. Vào ban đêm hoặc những lúc trời mưa khi có những giọt nước chảy dài xuống và đọng lại tại nơi bông lúa thoát ra thì sẽ kéo vi khuẩn. Do đó, khi gié lúa thoát ra đến đâu thì vi khuẩn sẽ xâm nhập đến đó”.
Bệnh bắt đầu thể hiện trên bông lúa từ giai đoạn ngậm sữa đến vào chắc. Trên bông lúa có những nhánh gié đứng thẳng, trong khi các nhánh gié khác cong xuống. Các nhánh gié mắc bệnh (nhánh đứng thẳng) có mang nhiều hạt bị lép, nhưng vỏ trấu vẫn giữ màu sắc bình thường, không bị lem. Khi bông lúa chín, vỏ trấu của các hạt lép này vẫn có màu vàng.
 
Bệnh tấn công sớm làm cho hoa lúa không thụ phấn và vỏ trấu trở nên vàng sậm. Bệnh muộn, khi tách vỏ trấu thấy hạt gạo lững có vết nâu nhũn nước. Khi hạt gạo bị tấn công sớm thì thấy những hạt thối đen xuất hiện cùng với những hạt lép hoặc lững màu vàng.
 
Theo các nhà khoa học IRRI thì bệnh này hiện nay trở thành nghiêm trọng, có thể làm giảm năng suất lúa đến 50 % (Kaku, Zeigler và Alvarez-1988).
 
Điều kiện mưa bão thích hợp cho bệnh phát triển và tốc độ lây lan rất nhanh, vì vậy bà con nông dân cần áp dụng một số biện pháp sau:
 
- Chọn giống chống chịu bệnh.
 
- Sạ thưa, sạ hàng từ 80-120 kg/ha để tán lá thông thoáng.
 
- Không sử dụng lúa ở ruộng đã bị nhiễm bệnh để làm giống, nên xử lý hạt giống khi ngâm ủ.
 
- Bón phân cân đối, không bón thừa phân đạm, bổ sung thêm canxi và silic cho cây lúa.
 
- Ruộng bị bệnh ngưng ngay việc bón phân và rút bớt nước trên ruộng để hạn chế vi khuẩn lây lan.
 
- Sử dụng nước vôi trong 10% để phun giai đoạn lúa ôm bắp trước khi lúa trỗ để diệt vi khuẩn, hạn chế vi khuẩn tấn công.
 
- Sử dụng các loại thuốc đặc trị để phun. Để việc phòng trị bệnh có hiệu quả cần áp dụng biện pháp phun phòng ngừa ở giai đoạn lúa vừa trỗ thoát một vài bông và phun lại lần 2 sau khi lúa trỗ đều để cây lúa được bảo vệ dài lâu hơn.
 
Lưu ý: Khi phun thuốc phòng trừ vi khuẩn tuyệt đối không phối trộn với phân bón lá đặc biệt là phân bón lá có chứa đạm. Đối với những ruộng có áp lực bệnh cao, điều kiện thời tiết bất lợi nên phun lại lần thứ 2 sau lần phun thứ nhất ít nhất 5 ngày. Để đảm bảo hiệu quả phòng trừ cần phun thuốc theo nguyên tắc 4 đúng.
 
Bệnh thối hạt do vi khuẩn Pseudomonas glumae gây ra làm thiệt hại đáng kể về năng suất và chất lượng nông sản. Do đó, nông dân cần thăm đồng thường xuyên để theo dõi, phát hiện bệnh và có biện pháp phòng trừ kịp thời. Đồng thời cần áp dụng tổng hợp các biện pháp để bệnh được khắc phục hiệu quả./.
 
Theo khuyennong.gov.vn