Hiện nay, trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, nhiều nông dân sau khi thu hoạch lúa không bán được cho thương lái phải trữ lại. Tuy nhiên, diện tích sân phơi ở nhiều địa phương còn nhỏ hẹp và yêu cầu chất lượng hạt lúa ngày càng cao nên việc đẩy mạnh đầu tư lò sấy lúa là rất cần thiết, nhằm hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp bền vững.
Mạnh dạn áp dụng tiến bộ trong sản xuất
Anh Nguyễn Trọng Mạnh ở thôn Quang Biểu, xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang cho biết, nhận thấy người dân địa phương mỗi khi vào mùa thu hoạch rơi đúng đợt mưa bão thường gặp nhiều khó khăn trong khâu phơi thóc dẫn đến thóc bị mốc, hỏng và bán không được giá. Sau khi tham quan mô hình lò sấy lúa ở một vài nơi, anh Mạnh đã bàn với gia đình gom góp vốn, xây dựng lò, mua máy sấy lúa về sấy thóc, có như vậy mới không phục thuộc vào thời tiết và bị thương lái ép giá. Bình quân mỗi mỗi mẻ sấy được khoảng 10-12 tấn thóc, với thời gian sấy khoảng 15-16 tiếng/mẻ tùy vào thóc khô hay ướt. Mỗi tấn thóc sấy hết khoảng 70.000-100.000 đồng tiền điện và than, củi. Anh Mạnh cho biết thêm, đây là vụ đầu tiên máy sấy hoạt động nên trước mắt phục vụ gia đình còn những vụ sau nếu bà con trong thôn có nhu cầu anh sẽ sấy thuê với công sấy khoảng 30.000 đồng/tạ.
“Duyên nợ” với đồng ruộng
Người dân trong thôn nhận xét anh Mạnh là người có “duyên nợ” với đồng ruộng. Bởi trước kia anh Mạnh cũng đã đầu tư máy làm đất để làm công cho bà con trong thôn. Những năm trước mọi người còn thích cấy lúa nhưng nay khu công nghiệp ở sát thôn nên mọi người không còn thiết tha với việc cấy lúa, có những khu đồng rất đẹp, bằng phẳng nhưng không có ai làm, bỏ không. Mỗi vụ cày xong đi đòi tiền công làm đất thấy vất vả nên anh Mạnh đã quyết định thuê lại 40 mẫu ruộng của bà con trong thôn với giá 80 kg thóc/năm để đầu tư chuyên tâm cho nông nghiệp.
Vụ chiêm xuân vừa qua anh Mạnh thu hoạch được khoảng 80 tấn thóc, sấy xong bán được giá 600.000 đồng/tạ. Thóc sấy bằng máy, xát gạo đạt hơn, hạt gạo trong, không bị gãy, được thương lái đến tận kho thu mua và đặt hàng cho vụ tiếp theo.
Anh cho biết, vụ Hè thu này anh cấy tổng diện tích 45 mẫu và đã đầu tư máy cấy nhằm giảm sức lao động của con người. Hơn nữa bây giờ thuê người cấy cũng rất khó và công lao động của họ đòi cao khoảng 250.000 -300.000 đồng/ngày.
Ngoài việc đầu tư đồng bộ từ máy làm đất, máy cấy, máy sấy thóc trong thời gian tới anh sẽ đầu tư thêm xe vận chuyển thóc từ ngoài đồng về và mua thêm máy xát gạo để không còn phải phụ thuộc, chủ động trong công việc và giảm được chi phí, nâng cao chất lượng hạt thóc thương phẩm.
Chị Nguyễn Thị Lương- cán bộ khuyến nông xã Quang Châu, huyện Việt Yên cho biết: “Anh Nguyễn Trọng Mạnh là người tâm huyết với nghề nông, hiểu nỗi khổ của nông dân sau khi thu hoạch lúa không phơi được do gặp mưa, bão cũng như thấy được tính cần thiết trong việc sấy lúa nên đầu tư mua máy sấy. Theo cách làm truyền thống nông dân thường tận dụng ánh nắng mặt trời để phơi lúa tuy nhiên phơi như vậy khả năng hao hụt rất cao. Để giảm tổn thất sau thu hoạch đối với sản xuất lúa, việc đầu tư cơ giới hóa từ lúc gieo sạ đến khi thu hoạch, ứng dụng các công nghệ vào sản xuất là rất cần thiết. Hiện mô hình lò sấy của anh Mạnh là mô hình đầu tiên của huyện, theo đánh giá của lãnh đạo địa phương, đây là mô hình sẽ mang lại hiệu quả cao. Thu hoạch lúa trong mùa mưa bão, nếu được sấy tốt thì tỷ lệ hao hụt, thất thoát giảm xuống, giúp nâng cao chất lượng hạt lúa, nông dân dự trữ dễ dàng, không bị ẩm mốc.
Theo khuyennong.gov.vn
Tin liên quan:
- Hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa chét đối với các vùng bị ngập lụt sau thiên tai tại các tỉnh phía Bắc (21-10-2024)
- Kiểm tra mô hình sản xuất lúa ứng dụng mạ khay – máy cấy kết hợp với sơ chế và liên kết tiêu thụ sản phẩm Nếp cái hoa vàng tại huyện Hiệp Hòa (02-08-2024)
- Sở Nông nghiệp và PTNT: Chủ động phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây lúa vụ Chiêm Xuân (06-05-2024)