Hiện nay, các tỉnh phía Bắc đã bước vào gieo cấy lúa vụ mùa. Từ nay đến đầu tháng 8 là thời điểm gây hại mạnh của ốc bươu vàng, làm ảnh hưởng đến một số diện tích lúa mới cấy, khiến người dân phải cấy dặm, cấy lại, ảnh hưởng đến khung thời vụ gieo cấy lúa mùa nếu không có biện pháp phòng trừ hiệu quả.
Cây lúa giai đoạn mạ non là thức ăn ưa thích của ốc bươu vàng. Chúng cắn đứt gốc cây mạ hay lúa non rồi nhai thân hoặc lá non, làm trụi cả đám mạ.
Ốc càng lớn tác hại càng mạnh: loại ốc đường kính 1 cm không gây hại; loại bằng hạt ngô tác hại đã rõ, một con ốc một ngày ăn hết 5,26 - 9,33 dảnh lúa; khi ốc 4 - 5 cm (bằng quả bóng bàn) một ngày có thể ăn 11,96 - 14,33 dảnh lúa.
Nếu có thức ăn thích hợp hơn như bèo tấm, rong đuôi chó, bèo tổ ong thì sau khi cấy 15 ngày tác hại của ốc bươu vàng không đáng kể. Lúa cấy sau 30 ngày cũng ít bị ảnh hưởng bởi ốc bươu vàng.
Ốc bươu vàng vận động chậm chạp bằng cách bơi lờ đờ trong nước hoặc bò trên mặt đất ẩm. Chúng có khả năng tự nổi trên mặt nước hoặc tự chìm xuống rất nhanh. Việc lây lan mạnh ốc bươu vàng trong thời gian qua chính là do khâu kiểm dịch không chặt chẽ, tự con người mang đến các vùng đất mới và quan trọng hơn cả là lây lan theo dòng nước chảy, nhất là qua các đợt lũ.
Để hạn chế tối đa tác hại của ốc bươu vàng trong vụ mùa 2019, bà con cần thực hiện các biện pháp phòng trừ tổng hợp ốc bươu vàng như sau:
* Trước khi cấy:
- Làm đất kỹ, tập trung, cày bừa san đều ruộng, tránh lồi lõm, trũng nước.
- Dùng phên, lưới có mắt nhỏ chắn những nơi lấy nước để ngăn chặn sự di chuyển của ốc bươu vàng, đồng thời dễ dàng thu bắt.
- Sau khi bừa lần cuối, để lắng bùn 1-2 ngày trước khi cấy, bắt ốc và ổ trứng vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát.
- Những ao, hồ đầm có thể thả thêm cá chép, cá trắm đen bởi ốc con là thức ăn ưa thích của chúng.
* Sau khi cấy:
- Sau khi bừa lần cuối, nhặt ốc bằng tay vào buổi sáng hoặc buổi chiều.
- Sử dụng các loại lá cây mà ốc bươu vàng ưa thích như lá chuối, lá đu đủ, xơ mít, để tập trung ốc bươu vàng, giúp dễ bắt và diệt.
- Khi bừa lần cuối, kéo bao tải đựng đá hoặc vật nặng để tạo rãnh xung quanh ruộng, cứ 10 - 15 m tạo một rãnh sâu 5 cm và rộng 25 cm. Đây là nơi tập trung ốc bươu vàng để dễ xử lý.
- Cắm cọc nhử ốc bươu vàng đẻ trứng và tiến hành thu gom ổ trứng thường xuyên tại các cọc cắm, trên bờ cỏ và trên thân cây lúa, nhằm hạn chế lượng ốc nở ra gây hại lúa.
- Thời kỳ lúa đẻ nhánh có thể thả vịt vào ruộng để bắt ốc.
- Những nơi ốc bươu vàng sống tập trung, nếu chủ động nước có thể sử dụng 1 trong số các loại thuốc trừ ốc bươu vàng như: Bosago 12AB; Apple 700WP; Awar 700WP; Dioto 250EC; Pazol 700WP, Viniclo 70WP, Clodansuper 250WP, 500WP, 700WP; Soliti 15WP; Anhead 6GR, 12GR, Honeycin 6GR; Milax 100GR…
Trên những chân ruộng đầu nguồn nước có nuôi thủy sản không nên sử dụng các loại thuốc có tính độc cao đối với động vật thủy sinh.
- Đối với những ruộng mới cấy hay ruộng lúa đang đẻ nhánh bị ốc bươu vàng gây hại mất khoảng nên giữ mực nước thấp, đắp bờ xung quanh để hạn chế sự di chuyển và phát tán gây hại của ốc bươu vàng; đồng thời cần cấy dặm bổ sung ngay, kết hợp tăng cường chăm sóc, bón phân để thúc đẩy cây lúa đẻ nhánh mạnh./.
Theo Khuyennongvn.gov.vn
Tin liên quan:
- Hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa chét đối với các vùng bị ngập lụt sau thiên tai tại các tỉnh phía Bắc (21-10-2024)
- Kiểm tra mô hình sản xuất lúa ứng dụng mạ khay – máy cấy kết hợp với sơ chế và liên kết tiêu thụ sản phẩm Nếp cái hoa vàng tại huyện Hiệp Hòa (02-08-2024)
- Sở Nông nghiệp và PTNT: Chủ động phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây lúa vụ Chiêm Xuân (06-05-2024)