Nền nông nghiệp hữu cơ sẽ tạo nên sự đa dang sinh học, cân bằng hệ sinh thái giữa sâu bệnh và thiên địch, mà những loại  thiên địch này sẽ có vai trò điều hòa số lượng của sâu bệnh bằng cách tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển của sâu bệnh. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng giữ được thế cân bằng đó, sẽ có lúc số lượng sâu bệnh hại nhiều hơn thiên địch, nên công tác phòng trừ sâu bênh trong nông nghiệp hữu cơ rất quan trọng. Và cần áp dụng các biện pháp trong Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), kết hợp nhiều biện pháp (như biện pháp canh tác, sinh học,…) lại với nhau để công tác phòng trừ sâu bệnh đạt được hiệu quả cao nhất.
 
I. Định nghĩa Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM)
 
Quản lý dịch hại tổng hợp – (Integrated Pest Management) được viết tắt là IPM. Hiểu một cách đơn giản về IPM là áp dụng tổng hợp tất cả các biện pháp nhằm phòng trừ, kiểm soát dịch hại đạt hiệu quả, đảm bảo mật  độ các loài dịch hại thấp hơn mức (ở dưới ngưỡng) mà dịch hại có thể gây ra thiệt hại về kinh tế và hạn chế những tác động tiêu cực với môi trường và các sinh vật khác (sức khỏe con người, các sinh vật có ích….).
 
 II.Nguyên tắc cơ bản trong quản lý dịch hại tổng hợp  (IPM) trên cây trồng theo hướng hữu cơ
 
Có 4 nguyên lý cơ bản :
 
Trồng giống tốt, cây khỏe.
Đi thăm đồng ruộng liên tục và thường xuyên.
Người nông dân sẽ trở thành chuyên gia của đồng ruộng.
Bảo vệ, khuyến khích các loại thiên địch.
III.Các biện pháp áp dụng trong quản lý dịch hại tổng hợp
 
1.Xử lý hạt giống
 
Xử lý hạt (hom) giống trước khi gieo, xử lý bằng nước nóng, xử lý nhiệt. Làm sạch cỏ dại lẫn tạp trong giống, cũng là một biện pháp hạn chế cỏ dại hiệu quả.
 
2.Biện pháp trong kỹ thuật canh tác 
 
a. Làm đất sớm và dọn dẹp vệ sinh đồng ruộng
 
Làm đất sớm và vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ sau mỗi vụ gieo trồng, thu hoạch có ý nghĩa rất quan trọng giúp tiêu diệt nguồn bệnh tồn tại trong đất và trên những tàn dư (rơm rạ, lá, thân, cành cây…) sau mỗi vụ thu hoạch, làm mất nơi cư trú của sâu bệnh hại
 
b. Luân canh, xen canh cây trồng
 
 Luân canh với nhiều cây trồng khác sẽ tránh được nguồn bệnh tích lũy trên trồng từ vụ này sang vụ khác, vừa có tác dụng cải tạo đất vừa hạn chế được sâu bệnh hại và cỏ dại. Trồng những cây không cùng là ký chủ của sâu bệnh hại.
Trồng xen với những cây trồng cây có tác dụng xua đuổi sâu hại hoặc có khả năng dẫn dụ thiên địch.
 
c. Thời vụ gieo trồng thích hợp
 
Thời vụ gieo trồng hợp lý, gieo trồng tập trung đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, đạt năng suất cao, tránh rủi ro về thời tiết, tránh các đợt cao điểm của dịch hại.
 
d.Sử dụng hạt giống khỏe, giống chống chịu
 
Sử dụng giống khỏe, sạch bệnh, giống chống chịu tạo điều kiện cho cây trồng phát triển khỏe mạnh. Sử dụng giống ngắn ngày, trồng vụ sớm có thể tránh một số loại sâu bệnh hại, vừa có tác dụng hạn chế sâu bệnh hại vừa tiết kiệm chi phí trong công tác phòng trừ.
 
e. Gieo trồng với mật độ hợp lý
 
Mật độ và kỹ thuật gieo phụ thuộc vào giống, thời vụ, đất trồng,…Mật độ quá dày hoặc quá thưa đều ảnh hưởng đến năng suất và sự phát sinh của sâu bệnh hại, cỏ dại. Mật độ có liên quan đến sự phát triển của cây trồng (bộ tán, rễ…) tiểu khí hậu sinh thái, sâu bệnh và cỏ dại đồng ruộng.
 
f. Sử dụng phân bón hợp lý, cân đối
 
Phân bón có vai trò rất quan trọng trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng, phân bón có ý nghĩa quyết định đến năng suất và chất lượng của cây trồng. Việc bón phân dư thừa hoặc không hợp lý, không đúng thời điểm khiến cây trồng phát triển không cân đối dễ bị sâu bênh phát sinh, tấn công và gây hại. Nên bón phân cân đối hợp lý tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng,  phát triển khỏe mạnh, nâng cao sức đề kháng với sâu bệnh, sức chống chịu với thời tiết bất lợi của cây trồng.
 
Tăng cường sử dụng các loại phân bón hữu cơ (đặc biệt là các loại phân hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ sinh học) vừa cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, cho cây trồng phát triển khỏe mạnh, nâng cao sức đề kháng cho cây trồng vừa cải tạo đất đai, tạo môi trường sống thuận lợi cho các sinh vật hữu ích phát triển góp phần hạn chế sâu bệnh phát sinh gây hại.
 
g. Nước tưới
 
Chế độ nước tưới hợp lý với từng giai đoạn của cây trồng, cần tưới đủ nước, thoát nước chống úng vào mùa mưa.
 
3.Biện pháp cơ giới vật lý
 
Dùng tay bắt giết sâu bọ, ngắt bỏ thân lá bị bệnh, thu lượm ngắt bỏ ổ trứng, đào hang bắt chuột.
 
Sử dụng bẫy bả như bẫy chua ngọt, bẫy dính, bẫy pheromone, bẫy đèn để tiêu diệt côn trùng trưởng thành,nhằm kiểm soát mật độ của dịch hại.
 
4.Biện pháp sinh học
 
 Bảo vệ thiên địch, tạo môi trường thuận lợi, tạo nơi cư trú cho các loại sinh vật có ích là kẻ thù tự nhiên của dịch hại phát triển,tạo sự đa dạng và cân bằng sinh học trên đồng ruộng nhằm góp phần tiêu diệt, hận chế dịch hại.
Thu hút các loại sinh vật ăn thịt, khuyến các vi sinh vật hữu ích (vi sinh vật ký sinh, nấm đối kháng,…) phát triển nhằm tiêu diệt, kìm hãm hoặc ức chế sâu bệnh hại phát triển.
 
Sử dụng các loại thuốc trừ sâu bệnh sinh học chỉ có tác dụng với dịch hại, không độc hại với sinh vật hữu ích và con người, có hai nhóm:
Nhóm thuốc có nguồn gốc vi sinh : từ vi khuẩn như BT (Bacillus Thurigiensis)…, từ nấmMetarhizum, Trichoderma..., từ virus NPV (Nucleo polyhedrosis virus)…
Nhóm thuốc có nguồn gốc từ thảo mộc : được chiết xuất từ cây cỏ, thảo dược,….
Như vậy, công tác phòng trừ sâu bệnh trong nền nông nghiệp hữu cơ cần áp dụng, kết hợp nhiều biện pháp (như biện pháp canh tác, sinh học, cơ giới vật lý,..) lại với nhau nhằm đạt hiệu cao trong phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ môi trường, đảm bảo sự đa dạng sinh học, cần bằng hệ sinh thái và cây trồng phát triển bền vững , an toàn, không độc hại với con người.
 
khuyennongbacgiang.com