Theo kế hoạch vụ Đông Xuân 2019 - 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị sẽ triển khai 16ha mô hình lúa sản xuất theo hướng hữu cơ, tại 2 điểm xã Gio Quang (huyện Gio Linh) và xã Vĩnh Thủy (huyện Vĩnh Linh).
Trước khi bắt đầu vào vụ sản xuất, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã tổ chức tập huấn hướng dẫn cho bà con quy trình ủ phân hữu cơ sinh học.
Kỹ sư Lê Thị Tú, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông cho biết: Nguyên liệu đầu vào để cho ra 1 tấn phân thì cần 1 - 1,5 tấn rác thải hữu cơ và phế thải nông nghiệp; Phân chuồng hoặc mùn hoai: 3 - 4 tạ; Đạm urê: 1kg; Super lân: 2kg; Chế phẩm vi sinh vật Quế Lâm dạng bột: 2kg.
Rác thải hữu cơ và phế thải nông nghiệp sau khi được thu gom và phân loại được đem tập trung đến đóng ủ. Ở đóng ủ, rác thải được dàn đều thành từng lớp, mỗi một lớp có độ dày khoảng 15 - 20cm (đường kính từ 2 - 2,5m), rải 1 lượt phân đạm urê và super lân lên và rải tiếp 1 lượt phân động vật lên trên lớp rác cào đều, sau đó phủ 1 lượt nguyên liệu hữu cơ 15 - 20cm tại mỗi lớp tiến hành xử lý chế phẩm VSV (để chế phẩm vi sinh không trực tiếp với phân đạm urê).
Cứ tiếp tục từng lớp như thế cho đến khi hoàn thành. Nếu phụ phế thải ở một số hộ gia đình có số lượng lớn có thể ủ tại sân hoặc vườn nhà đều có thể làm theo cách như trên. Sau khi ủ phải thường xuyên kiểm tra, giám sát độ ẩm và bổ sung nước cho bể ủ khi thấy cần thiết (độ ẩm đống ủ được duy trì khoảng 60% để cho vi sinh vật hoạt động).
Thời gian ủ khoảng 45 - 60 ngày, sản phẩm sẽ được đưa ra sử dụng. Đối với phân hữu cơ sinh học, do phân đã ủ hoai mục và hàm lượng dinh dưỡng cao hơn phân hữu cơ truyền thống (phân heo, phân trâu bò...) nên sẽ bón cho cây trồng với lượng bằng 1/2 - 2/3 lượng phân hữu cơ truyền thống.
Tùy theo từng loại cây trồng để bón lượng phân cho phù hợp. Đối với cây lúa, thông thường bón theo hai cách là bón lót và bón thúc. Bón lót bằng cách rải đều khi bừa lần cuối và bón thúc bằng hình thức vãi đều. Sản phẩm phân hữu cơ sinh học có tác dụng làm tăng độ phì nhiêu của đất, tăng chất khoáng và vi sinh vật hữu hiệu cho đất, cải tạo đất rất tốt, nhất là đối với các loại đất đã và đang bị suy thoái. Tăng khả năng giữ nước của đất.
Bên cạnh đó phân hữu cơ sinh học có tác dụng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh không chỉ ở cây lúa mà còn các cây trồng khác.
Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ sử dụng phân hữu cơ sinh học sẽ làm tăng khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của cây lúa, khả năng chống chịu sâu bệnh sẽ tốt hơn, trong thời kỳ trổ ruộng sẽ ít nhiễm rầy, khô vằn, cho bông dài, sạch sâu bệnh. Giảm chi phí sản xuất, hạn chế việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.
Tin liên quan:
- Hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa chét đối với các vùng bị ngập lụt sau thiên tai tại các tỉnh phía Bắc (21-10-2024)
- Kiểm tra mô hình sản xuất lúa ứng dụng mạ khay – máy cấy kết hợp với sơ chế và liên kết tiêu thụ sản phẩm Nếp cái hoa vàng tại huyện Hiệp Hòa (02-08-2024)
- Sở Nông nghiệp và PTNT: Chủ động phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây lúa vụ Chiêm Xuân (06-05-2024)