Những năm qua, các địa phương tại ĐBSCL đã không ngừng nghiên cứu, lai tạo các bộ giống lúa nằm thích ứng với mô hình canh tác tôm – lúa, góp phần mang lại những vụ mùa bội thu cho nông dân trong vùng.
GKG - giống lúa thích nghi tốt
Giống lúa thuần GKG thích ứng với biến đổi khí hậu, được nông dân vùng chịu ảnh hưởng lũ hoặc đất bị nhiễm phèn mặn, vùng luân canh lúa - tôm lựa chọn canh tác.
TS Ngô Đình Thức, Giám đốc Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang cho biết, giống lúa GKG 1, GKG 9 được đơn vị nghiên cứu, chọn tạo. GKG 1 có thời gian sinh trưởng cực ngắn, 85-90 ngày (ngắn hơn các giống lúa khác khoảng 7 ngày), chống chịu phèn mặn khá tốt, cho năng suất cao, hạt gạo thon dài, ít bạc bụng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Với những đặc tính nông học nổi trội như vậy, GKG 1 đã được Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) công nhận đặc cách là giống cây trồng nông nghiệp mới năm 2012.
 
Theo đánh giá của bà con nông dân, lợi thế của giống lúa GKG 1 là thời gian sinh trưởng cực ngắn. Do đó, rất phù hợp cho những vùng thâm canh 3 vụ lúa/năm, đảm bảo thời gian cách ly giữa các vụ cũng như vệ sinh đồng ruộng, làm đất trước khi gieo sạ lại. Giống lúa này cũng thích nghi với những vùng bị nhiễm mặn, vùng sản xuất luân canh theo mô hình một vụ lúa, một vụ tôm. Nhờ ngắn ngày, thu hoạch sớm nên có thể né được hạn, mặn xâm nhập vào cuối vụ.
 
Tỉnh Kiên Giang đã quy hoạch phát triển bền vững khoảng 80.000 ha lúa - tôm tại 4 huyện vùng U Minh Thượng là: An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận. Mô hình đã phát triển được hơn 20 năm, cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với độc canh cây lúa trước đây. Hiện tỉnh đang tiếp tục quy hoạch chuyển đổi hơn 20.000 ha ven biển vùng Tứ giác Long Xuyên (chủ yếu thuộc huyện Hòn Đất) từ 2 vụ lúa sang luân canh lúa - tôm.
 
Trong cơ cấu giống lúa, những năm qua, GKG 1 đã được ngành nông nghiệp Kiên Giang khuyến cáo đưa vào sản xuất cho những vùng chuyên canh, vùng nhiễm phèn mặn, đặc biệt rất thích hợp với vùng lúa - tôm.
 
Nông dân Trần Mậu Thân ở xã Đông Hòa, huyện An Minh, Kiên Giang cho biết: “Giống lúa GKG 1 dễ canh tác, hơi kháng rầy nâu, đạo ôn, dạng hình đẹp, đẻ nhánh khỏe, cứng cây, chịu phèn mặn, khá. Nhờ ngắn ngày nên rất thích hợp cho sản xuất luân canh trên nền đất nuôi tôm, đỡ lo bị thiệt hại do mặn xâm nhập vào cuối vụ. Nếu thời tiết thuận lợi và được chăm sóc tốt, GKG 1 cho năng suất khá cao.
 
Không chỉ trong tỉnh, mà GKG 1 còn được sản xuất trên diện rộng tại các tỉnh, thành, như: Bạc Liêu, Trà Vinh, Đồng Tháp, Tiền Giang, Cần Thơ… với diện tích hàng chục ngàn ha mỗi vụ. Đa số nông dân sau khi sản xuất giống lúa này đều đánh giá rất cao, vì dễ canh tác, cho năng suất cao, đạt hiệu quả kinh tế.

Tương tự, GKG 5 là giống lúa được chọn tạo từ kỹ thuật nuôi cấy túi phấn, có thời gian sinh trưởng từ 90-95 ngày, cứng cây, đẻ nhánh khỏe, chống chịu sâu bệnh khá, tiềm năng cho năng suất cao. Kết quả khảo nghiệm quốc gia được thực hiện tại các tỉnh ĐBSCL (Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu…) cho thấy, giống lúa này đạt năng suất trung bình từ 5,3 tấn/ha (vụ hè thu) đến 8,1 tấn/ha (vụ đông xuân), thuộc tốp đầu trong nhóm giống khảo nghiệm. GKG 5 cho phẩm chất gạo tốt, xay xát đạt tỷ lệ cao, hạt gạo trắng, thon dài, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Theo đánh giá của những hộ nông dân trực tiếp tham gia sản xuất thử, giống lúa GKG5 có khả năng thích nghi tốt với điều kiện sản xuất tại địa phương, dễ canh tác, cho năng suất cao và có khả năng phát triển, nhân rộng trong sản xuất.

Sản xuất lúa trên nền đất nuôi tôm cần có giống thích hợp, vì đất thường bị nhiễm nặm trong quá trình nuôi tôm, khó rửa mặn một cách triệt để. Trước đây, nông dân vùng U Minh Thượng thường sử dụng giống lúa mùa địa phương để canh tác, lúa phát triển tốt nhưng chất lượng gạo không ngon. Vì vậy, việc chọn tạo những giống lúa thuần, ngắn ngày, thích ứng được trên nền đất nuôi tôm là rất cần thiết cho nông dân trong vùng.  

Ưu tiên các giống lúa thích ứng với BĐKH

Tại Bạc Liêu, ngành nông nghiệp tỉnh đã có những định hướng cụ thể về phát triển nông nghiệp thích ứng với BĐKH theo Nghị quyết số 120. Hiện Bạc Liêu tiếp tục quy hoạch, phát triển nông nghiệp thích ứng với BĐKH theo hướng tập trung, phù hợp với điều kiện đặc thù của tỉnh.

Hiện nay, tỉnh chia làm 2 vùng, phía Bắc QL1A và phía Nam QL1A. Mỗi vùng có ưu thế riêng, nên tỉnh sẽ tập trung vào lợi thế đó để thúc đẩy sự phát triển kinh tế nông nghiệp.

Đến nay tỉnh đã hình thành vùng chuyên canh lúa quy mô gần 59.000 ha. Trong đó, sản xuất 2-3 vụ/năm với các giống lúa thơm, đặc sản và chất lượng cao như: Đài thơm 8, Nàng hoa 9, OM 18, OM 5154, OM 7347, BLR 103, BLR 105 và BLR 413, ST 24, ST25… riêng tiểu vùng tôm - lúa với gần 34.000 ha. Với 23 cánh đồng lớn với diện tích canh tác 11.372 ha (SX 2-3 vụ/năm).

Ông Trương Phước Hiền, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phước Long cho biết: “Huyện đang tuyển chọn, giới thiệu các giống lúa mới triển vọng đã qua khảo nghiệm có tiềm năng cho năng suất cao, thích nghi với điều kiện canh tác, đặc biệt là thích ứng với BĐKH để đưa vào SX. Điển hình là giống Một bụi đỏ Hồng Dân; Một bụi đỏ ngắn ngày, Giống lúa F Lai, OM 18 hay giống lúa Đài Thơm 8… Đặc điểm của các giống lúa trên là ngắn ngày và chịu mặn tốt.

Riêng các giống Một bụi đỏ Hồng Dân, Một bụi đỏ ngắn ngày, F Lai… chỉ cần sạ 3kg/công (lúa giống có giá từ 110 - 120 ngàn đồng/kg). Năng suất 6 - 7 tấn/ha".
 
Vụ Đông Xuân 2018 - 2019 huyện Phước Long thu hoạch 13.736 ha, năng suất trên 7,4 tấn/ha, sản lượng gần 102.000 tấn, đạt 104% KH, chủ yếu các loại giống chủ lực như: OM 4900, OM 7347, OM 5451, RVT, Đài thơm 8… Vụ HT 2019 huyện xuống giống 13.736 ha, đạt 100% KH.
 
Ông Trần Văn Hạng, Giám đốc điều hành HTX Thành Lợi (tại xã Hưng Phú, huyện Phước Long), cho biết: Vụ đông xuân 2018 - 2019 HTX xuống giống Đài thơm 8 với diện tích hơn 120 ha, cho năng suất đạt trên 9 tấn/ha, trừ chi phí còn lãi 35 - 40 triệu đồng/ha. Đến vụ hè thu 2019 HTX không sạ lại Đài thơm mà chọn giống OM 2517, OM 576 sạ, vì 2 giống này ít bị nhiễm bệnh, cứng cây phù hợp điều kiện BĐKH của địa phương theo mùa vụ.
 
Những năm qua, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu không ngừng nghiên cứu, lai tạo các bộ giống lúa nằm thích ứng với mô hình canh tác tôm – lúa, góp phần mang lại những vụ mùa bội thu cho nông dân trên địa bàn tỉnh. Hiện trung tâm giống đang trồng thử nghiệm các giống lúa mới để tìm ra giống phù hợp nhất với thổ nhưỡng của địa phương.
 
Ông Phan Văn Liêm, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu cho biết: Để có một vụ mùa thành công thì khâu chọn giống luôn có vai trò quyết định cả vụ mùa. Nếu giống không tốt, không thích ứng với điều kiện BĐKH của địa phương thì làm lúa có giỏi đến đâu, kể cả kỹ sư đi chăng nữa cũng không thể nào đạt năng suất cao được.
 
Vì vậy, những năm qua Trung tâm Giống Nông nghiệp Bạc Liêu luôn quyết tâm không ngừng tìm tòi, nghiên cứu và đi học tập kinh nghiệm sản xuất giống tại nhiều địa phương để từ đó tìm ra giống lúa tốt nhất, phù hợp cho từng vùng. Tuy công việc có phần vất vả nhưng niềm vui của chúng tôi là thấy nông dân có được một vụ mùa bội thu”.
 
Theo ông Liêm, từ năm 2013 đến nay, Trung tâm Giống nông nghiệp Bạc Liêu đã nghiên cứu lai tạo và chọn ra những giống lúa triển vọng thuộc các tổ hợp OM263, MBĐ theo hướng chịu mặn, tổ hợp TN, OM5451 theo hướng chịu hạn, phèn và 2 tổ hợp RVT, OM4900, OM4900, OM5451 theo hướng chất lượng gạo… Trung tâm thực hiện liên kết SX, tiêu thụ lúa vụ ĐX 16.000 ha, sản lượng bao tiêu 117.920 tấn; bao tiêu các giống: RVT, Nàng hoa 9, Đài thơm 8, OM 18, OM 5451...
 
Hiện Bạc Liêu có khoảng 40 công ty, doanh nghiệp, HTX, đại lý tham gia bao tiêu lúa, điển hình là HTX Vĩnh Cường, Công ty Cổ phần Quốc tế Gia, Công ty Hiếu Nhân, Công ty Thuận Minh, HTX Hữu Nghị…
 

 

Tho: nongnghiep.vn