Thời điểm này, nông dân trên địa bàn huyện Thạnh Phú (Bến Tre) đang bước vào cao điểm thu hoạch vụ lúa mùa trong năm.
Năm 2019, toàn huyện có hơn 6.000 ha lúa, tập trung tại các xã An Nhơn, An Qui, An Thuận, Giao Thạnh, Thạnh Phong, An Điền, Mỹ An... Hiện tại, huyện đã thu hoạch hơn 50% diện tích lúa mùa với năng suất trung bình khoảng 4,5 tấn/ha.
Năm 2019 này, huyện tiếp tục ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm lúa giữa doanh nghiệp với nông dân với trên 1.000 ha ở các xã vùng lúa – tôm gồm các doanh nghiệp, như Công ty Lương thực Bến Tre, Công ty Lương thực Tiền Giang, Công ty cổ phần Nông sản Hoa Nắng, Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Thịnh Phát, Công ty Hoàng gia Nhật Quang, Công ty Tấn Vương... Ngoài ra, thông qua Hội nông dân các xã, thương lái ký kết hợp đồng hỗ trợ thu mua lúa cho nông dân khoảng 3.200 ha.
Nông dân Ngô Văn Phổ, ấp An Định, xã An Nhơn có 1 ha đất trồng lúa hữu cơ, được Công ty cổ phần Nông sản Hoa Nắng bao tiêu sản phần mấy năm nay. Theo ông Phổ, trong quá trình sản xuất lúa, công ty cung ứng giống, phân bón hữu cơ, cử cán bộ kỹ thuật đến hướng dẫn kỹ thuật, giám sát sản xuất theo quy trình hữu cơ. Đến khi thu hoạch, công ty thu mua với giá cao hơn thị trường. 1 ha lúa của ông Phổ vừa thu hoạch đạt năng suất khoảng 4,5 tấn, giá thu mua hơn 8.500 đồng mỗi ký.
Ông Lâm Anh Tú, Giám đốc Công ty cổ phần Nông sản Hoa Nắng, đơn vị liên kết sản xuất lúa hữu cơ tại huyện Thạnh Phú cho biết, từ năm 2014, công ty đã thí điểm mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ với gần 100 hộ nông dân các xã An Qui, An Nhơn, An Điền, Giao Thạnh và Thạnh Phong với tổng diện tích 150 ha, sản xuất 2 giống lúa chính là OM 4900 và ST24.
Theo kế hoạch, năm nay công ty sẽ thu mua khoảng 500 đến 600 tấn lúa hữu cơ của nông dân tại các xã đã liên kết. Hiện công ty đã thu mua được hơn 200 tấn lúa với giá từ 8.500 đến 9.000 đồng/kg. Ngoài thu mua lúa, nếu nông dân có nhu cầu bán rơm, công ty sẽ thu mua với giá 25.000 đồng mỗi cuộn, chi phí thuê máy cuộn rơm và vận chuyển do công ty chi trả.
Được biết, trước đây khi lúa sạch Thạnh Phú chưa được cấp nhãn hiệu chứng nhận, chưa có các công ty đến bao tiêu thì lúa được người dân bán cho thương lái nên bị ép giá, không ổn định. Từ năm 2016, khi nhãn hiệu lúa sạch Thạnh Phú được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận, ý thức sản xuất lúa sạch của người dân được nâng lên. Đến nay, các mô hình trồng lúa sạch, lúa hữu cơ, mô hình nuôi tôm càng xanh luân vụ với tôm sú trên ruộng lúa, mô hình tôm - lúa,... tiếp tục được duy trì phát triển.
Theo: nongnghiep.vn
Tin liên quan:
- Hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa chét đối với các vùng bị ngập lụt sau thiên tai tại các tỉnh phía Bắc (21-10-2024)
- Kiểm tra mô hình sản xuất lúa ứng dụng mạ khay – máy cấy kết hợp với sơ chế và liên kết tiêu thụ sản phẩm Nếp cái hoa vàng tại huyện Hiệp Hòa (02-08-2024)
- Sở Nông nghiệp và PTNT: Chủ động phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây lúa vụ Chiêm Xuân (06-05-2024)