Đến xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), hỏi về rau an toàn, người dân sẽ đưa bạn đến ngay với khu vực nhà lưới do Thanh niên Nguyễn Hữu Sáu (SN 1993) làm chủ.
Người dân ở đây cho biết, từ khi Sáu về quê làm rau sạch, đầu ra sản phẩm vùng rau VietGAP này đã rộng mở.
Năm 2016 khi là sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Nguyễn Hữu Sáu được sang Nhật thực tập. Một năm tại Nhật, được tiếp cận với phương thức canh tác tiên tiến của đất nước mặt trời mọc, trước mắt Sáu như mở ra một phương trời mới. Từ cách sản xuất, quy chuẩn sản phẩm đến cách tiếp cận thị trường của nền nông nghiệp nước bạn đều rất lạ lẫm với một cậu sinh viên trẻ tuổi.
 
“Ở Nhật, dù tài nguyên đất rất hạn hẹp nhưng không vì thế mà người dân chấp nhận sử dụng những mặt hàng nông sản kém chất lượng. Những sản phẩm nước Nhật nhập khẩu đều phải được kiểm tra rất nghiêm ngặt. Về quy chuẩn sản phẩm, có lẽ cả thế giới này phải học hỏi nước Nhật chứ không riêng gì Việt Nam.
 
Ở đây 1 năm, tôi đã tự trả lời được, vì sao tuổi thọ người dân Nhật Bản luôn đứng đầu thế giới và vì sao một đất nước nghèo tài nguyên như Nhật Bản mà họ vẫn giàu. Bởi vì, họ làm thật, làm nghiêm túc và cơ quan chức năng luôn làm hết trách nhiệm của mình. Tôi đã manh nha thực hiện ý tưởng ấy ngay sau khi trở về Việt Nam”.
 
Vậy là ngay từ khi còn ở trên đất nước Nhật Bản, Sáu đã chủ động hướng dẫn người thân, bạn bè ở nhà khảo sát nhu cầu sản xuất, thị trường tại Thanh Hóa và một số tỉnh bạn. Một số người có kiến thức trong lĩnh vực nông nghiệp được Sáu trả lương để chuyển giao một số kỹ thuật canh tác tiên tiến cho bà con nông dân xã Quảng Lưu. Một vài mô hình đã được Sáu cho làm thử nghiệm ở quê qua đó chọn lọc những giống rau màu phù hợp với vùng đất này.
 
Nhưng phải có thực mới vực được đạo, không có tiền và chưa tích lũy đủ kinh nghiệm thì cũng chẳng làm nên việc gì. Nghĩ vậy, sau khi về nước, Sáu vào làm giám sát lao động cho Công ty Tomyta Famr có trụ sở tại Hà Nội với mức lương 15 triệu đồng/tháng.
 
Tháng 10/2018, Sáu nghỉ việc, về quê bắt đầu thực hiện ý tưởng của mình. Sáu vay ngân hàng, bạn bè, người thân số tiền trên 1 tỷ đồng, tích tụ được 7.500 m2 đất và xây dựng khu nhà lưới rộng 700 m2. Quãng thời gian ấy là chuỗi ngày vất vả đối với chàng thanh niên mới chân ướt chân ráo rời ghế giảng đường.
 
“Gia cảnh khó khăn nên khi nghe nói đến khoản tiền hàng tỷ đồng vay mượn để khởi nghiệp, ai trong gia đình tôi cũng phản đối, không tin tôi có thể thành công. Nhưng tôi lại luôn tin ở bản thân mình và nhất quyết làm theo những gì trái tim mách bảo. Và tôi đã thành công trước sự ngỡ ngàng của mọi người” – Sáu tâm sự.
 
Nguồn nhân lực Sáu sử dụng cho ước mơ của mình gồm 2 kỹ sư nông nghiệp và 6 công nhân. Từ tháng 10 đến tháng 3, Sáu tập trung sản xuất các loại rau, củ, quả cung cấp cho các đơn vị đặt mua theo hợp đồng.
 
Cũng trong năm 2018, Sáu thành lập HTX Rau an toàn Quảng Lưu, liên kết với Công ty Thiên nhiên xanh tại tỉnh Ninh Bình để đưa nông sản của mình xuất sang Nhật. Theo hợp đồng, bình quân mỗi ngày Sáu cung ứng cho Công ty Thiên nhiên xanh 5 - 10 tấn rau, củ, quả. Ngoài ra, sản phẩm từ trang trại của Tuấn còn xuất bán vào các bếp ăn tập thể, trường mầm non đóng trên địa bàn huyện Quảng Xương.
 
Gần đây, sau khi nắm bắt được nhu cầu thị trường, Sáu thuê lại 2 ha đất của người dân Quảng Lưu sản xuất hành hoa cho một số đơn vị sản xuất gia vị mì tôm và hành hoa sấy khô xuất khẩu. Điều đáng trân trọng ở chàng trai này là khát khao học hỏi và luôn biết nắm bắt nhu cầu thị trường để tìm lối đi cho riêng mình.
 
Năm 2018, sản lượng rau, củ, quả của Sáu sản xuất ra khoảng 100 tấn, thu về trên dưới 10 tỷ đồng. Theo cách hạch toán của Sáu thì lợi nhuận thu được chừng 30 - 40%.
“Sắp tới tôi sẽ làm ớt, đậu tương xuất khẩu sang Hàn Quốc. Thời gian ở Nhật tôi đã học hỏi được rất nhiều điều. Đó là cách làm nông nghiệp nghiêm túc, vì lợi ích doanh nghiệp nhưng cao hơn cả là trách nhiệm đối với cộng đồng. Nhận thức như thế khiến tôi phải luôn nghiêm khắc với bản thân mình trong việc sản xuất cũng như cung ứng sản phẩm đến tay người tiêu dùng”.
 
“Quảng Lưu là vùng chuyên canh rau màu lớn của huyện, có 19 ha được cấp chứng nhận VietGAP. Trách nhiệm của người sản xuất vùng được cấp chứng chỉ là luôn phải nghiêm túc trong sản xuất, có trách nhiệm với cộng đồng và năng động, linh hoạt trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Chúng tôi đánh giá cao năng lực, sự chịu khó, ham học hỏi và làm việc nghiêm túc của HTX rau an toàn xã Quảng Lưu nói chung và cá nhân anh Sáu nói riêng” – ông Lê Đại Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quảng Xương.
Theo Nongnghiep.vn