Màng không dệt Passlite có tác dụng che chắn côn trùng, ngăn chặn sự xâm nhập của côn trùng gây hại từ bên ngoài nên giảm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
 
Hưởng ứng thư số 161/LĐCP ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc hạn chế sử dụng rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội triển khai áp dụng mô hình trồng rau an toàn dùng màng che phủ Passlite thay thế màng ni lông.
Sản phẩm vải không dệt dùng trong nông nghiệp có tên thương mại Passlite do Cty Unitika LTD của Nhật Bản sản xuất. Vải không dệt Passlite đã được thử nghiệm tại một số tỉnh, thành phố như Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh và mới đây là Hà Nội.
 
Tại Hà Nội, sản phẩm Passlite đã được triển khai tại Viện Nghiên cứu Rau quả và tại thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ. Trong đó, Viện Nghiên cứu Rau quả triển khai trên một số loại rau ăn lá, như cải xanh, cải ngọt, xà lách… còn tại Chúc Sơn là trên các loại rau ăn lá và rau gia vị.
 
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, kết quả thu được từ mô hình đều đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất rau. Màng không dệt Passlite có tác dụng che chắn côn trùng, ngăn chặn sự xâm nhập của côn trùng gây hại từ bên ngoài nên giảm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
 
Bà Trần Thị Thu Trang, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Chương Mỹ chia sẻ, đơn vị vừa tiến hành hội thảo đầu bờ tổng kết mô hình màng phủ Passlite và nhận thấy những ưu việt rất lớn của loại vật liệu mới này. Màng phủ Passlite ngoài giúp hạn chế cỏ dại, giảm chi phí làm cỏ và công chăm sóc còn giúp che một phần ánh sáng trực tiếp, do đó hạn chế được một phần sự tác động nắng mặt trời đến cây rau, hạn chế tác động của mưa, gió giúp cây rau không bị dập nát khi có mưa to gió lớn.
 
Đặc biệt, các kết quả điều tra đánh giá trên thực địa đều ghi nhận vải Passlite có các lỗ nhỏ giúp cho sự đảm bảo lưu thông không khí giữa bên trong và bên ngoài nên nhiệt độ chênh lệch những ngày nắng nóng vừa qua không quá lớn, nhờ đó giúp hạn chế tối đa hiện tượng hiệu ứng nhà kính so với dùng màng ni lông. Trong điều kiện mùa đông vải cũng cản gió lạnh, giữ ấm, cây rau bên trong vòm che ít bị ảnh hưởng của điều kiện thời tiết.
 
Bà con nông dân tham gia mô hình ứng dụng sản phẩm vải Passlite thay thế ni lông chia sẻ, cây rau phủ màng Passlite sinh trưởng phát triển nhanh, rút ngắn thời gian thu hoạch, tăng hệ số quay vòng sản xuất rau trong năm, tăng năng suất rõ rệt so với phương pháp canh tác truyền thống, sử dụng đơn giản, giảm chi phí công, đồng thời giảm chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, tuy giá màng phủ Passlite cao hơn ni lông một chút nhưng tuổi thọ lại gấp rưỡi nên tính tổng thể hiệu quả hơn rất nhiều.
 
Sau khi triển khai, đánh giá kết quả mô hình, nhằm ứng dụng rộng rãi sử dụng màng không dệt Passlite trong sản xuất rau an toàn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đang tiến hành nhân rộng mô hình ra 30 điểm tại các vùng sản xuất rau của các quận, huyện, thị xã.
 
Các mô hình sẽ tập trung vào đánh giá chuyên sâu hiệu quả của việc sử dụng màng phủ Passlite hạn chế sâu bệnh và điều kiện bất lợi của thời tiết so với tập quán của nông dân. So sánh hiệu quả sử dụng giữa sử dụng màng phủ Passlite và không sử dụng màng phủ Passlite trong sản xuất rau. Chọn địa phương có diện tích rau lớn là vùng chuyên canh, tập trung, thuận tiện đi lại, nông dân và địa phương nhiệt tình tham gia.
 
Chủng loại rau làm thử nghiệm ngoài các loại sau ăn lá (ưu tiên chọn rau có thời gian sinh trưởng ngắn để tiến hành theo dõi giữa các lứa) sẽ ứng dụng trên một số loại cây rau màu khác theo phương trâm nông dân trực tiếp sản xuất rau tham gia thử nghiệm.
 
Thử nghiệm được bố trí làm 3 công thức, trong đó công thức 1: Phủ trực tiếp với Passlite (quy mô 2 sào); Công thức 2: Phủ Passlite theo dạng vòm che thấp (quy mô 2 sào); Công thức 3: Làm vòm che nilon (quy mô 2 sào) và Công thức 4: Làm theo tập quán nông dân không che phủ (quy mô 1 sào).
 
Các hộ tham gia thử nghiệm được hỗ trợ ni lông, màng Passlite và cọc tre làm vòm để thực hiện thử nghiệm. Trong quá trình triển khai thử nghiệm, trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm tổ chức hội nghị đầu bờ để tiến hành đánh giá kết quả, hiệu quả thử nghiệm.
 
Theo Nongnghiep