Lạc xuân được xác định là cây thế mạnh mang lại hiệu quả kinh tế cao trong Chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Do vậy, cây trồng này luôn được các địa phương quan tâm mở rộng diện tích, nhất là vụ xuân
Những năm gần đây, trong khi diện tích một số cây công nghiệp ngắn ngày như: đậu tương, thuốc lá ngày càng giảm thì diện tích lạc trên địa bàn tỉnh luôn ổn định và có chiều hướng tăng. Tìm hiểu tại xã Danh Thắng (Hiệp Hoà) được biết với 200 ha lạc xuân, đây là xã có diện tích lạc xuân lớn nhất huyện. Thời điểm này, nông dân đang tập trung các biện pháp chăm sóc cho diện tích lạc mới trồng. Bà Nguyễn Thị Nhiên, thôn Đại Đồng 1 cho biết: "Đồng đất nơi đây phù hợp với cây lạc nên năm nào gia đình tôi cũng dành hai sào để trồng. Ở vụ xuân năm trước, tôi thu gần hai tạ lạc khô bán được hơn hai triệu đồng". Nhiều hộ dân ở Danh Thắng chú trọng trồng lạc xuân bởi ngoài hiệu quả kinh tế thì lạc còn có tác dụng cải tạo đất, giảm chi phí mua lân, đạm cho những vụ tiếp theo. Do đó, nhiều cây trồng mới được đưa về khảo nghiệm tại đồng đất Danh Thắng song người dân trong xã vẫn chọn cây lạc.
Một số xã trên địa bàn huyện cũng tập trung phát triển cây lạc như: Ngọc Sơn, Hùng Sơn, Thường Thắng, Đức Thắng. Vụ này, nông dân Hiệp Hoà gieo trồng hơn 1.600 ha lạc, là một trong những huyện có diện tích lạc lớn của tỉnh. Bà Hoàng Thị Tiến, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho rằng, những năm gần đây, giá lạc luôn ổn định và ngày càng tăng cùng với các ưu điểm như vốn đầu tư ít và đầu ra tương đối thuận lợi nên nông dân yên tâm mở rộng diện tích. Hơn nữa, đồng đất của Hiệp Hoà vốn bạc màu. Để khắc phục nhược điểm đó, trước đây, ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân trồng lạc và đậu tương để cải tạo đất. Đã có thời điểm Hiệp Hoà trở thành vựa đậu tương lớn nhất tỉnh song do nhiều yếu tố nên người dân chỉ còn tập trung vào trồng lạc. Xác định đây là cây hàng hoá nên ngay từ đầu vụ xuân, phòng đã xây dựng kế hoạch và tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc lạc.
Theo Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và PTNT) vụ xuân năm nay toàn tỉnh trồng 8,7 nghìn ha lạc xuân. Diện tích vụ này tăng là do những năm gần đây cơ quan chuyên môn đã xây dựng các mô hình đưa giống lạc có năng suất cao, chất lượng tốt và ứng dụng biện pháp thâm canh trong sản xuất. Qua đó, người dân tiếp cận được kỹ thuật chăm sóc và yên tâm mở rộng diện tích. Thời gian qua, giá lạc luôn ổn định ở mức từ 15-20 nghìn đồng/kg, góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Ngoài ra, lạc củ không chỉ cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thực phẩm mà còn được dùng làm giống cung ứng ra thị trường. Vì dễ bảo quản nên lạc không chịu sức ép về thời gian tiêu thụ. Bên cạnh đó, để ứng phó với tình trạng hạn hán có thể xảy ra, một số chân ruộng vàn cao, không chủ động nước tưới nông dân chuyển đổi sang trồng lạc. Giống được đưa vào trồng trong vụ này là MD7, L14, L23. Trong đó lạc MD7, L14 chiếm hơn 90% tổng diện tích bởi có nhiều ưu điểm như: vỏ mỏng, nhân to, đều củ, năng suất bình quân đạt hơn một tạ/sào.
Thời điểm này, nông dân trong tỉnh đã trồng xong lạc xuân. Để lạc sinh trưởng và phát triển tốt, cơ quan chuyên môn khuyến cáo nông dân cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sâu bệnh và phòng trừ kịp thời. Chủ động phòng, trừ sâu bệnh bằng cách bón phân cân đối, chăm sóc hợp lý, áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp. Chú ý đề phòng dế, kiến, mối hại quả và bệnh héo xanh do vi khuẩn. Đối với đất bạc màu cần bón thêm kali. Khi cây có 7-8 lá thật (sau 30-35 ngày), nên xới sâu 5-6 cm giữa hàng, làm cho đất tơi xốp, thoáng khí, không vun gốc. Ở giai đoạn quả chuẩn bị vào chắc cần đề phòng đối tượng sâu ăn lá để bảo đảm bộ lá quang hợp tốt. Thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật trên, năng suất lạc xuân năm nay có thể đạt 22 tạ/ha, cao hơn năm ngoái 0,3 tạ/ha.
Trịnh Lan
Tin liên quan:
- Phát hiện ra gien ở rễ có thể hỗ trợ nhân giống cây ngô có sức chống chịu tốt hơn (10-04-2023)
- Yên Thế: Tập trung chăm sóc cây trồng vụ Đông (24-11-2022)
- Cách trồng hành lá bằng hạt trong chậu (17-11-2022)