Từ hai năm nay, cây hành đã được người nông dân ở xã Thanh Hải - Lục Ngạn lựa chọn để thay thế dần những cây trồng vụ đông kém hiệu quả trước đây. Từ vài héc-ta trong vụ đông năm 2009, đến nay, xã Thanh Hải đã có gần 20 ha diện tích đất canh tác được trồng hành đã và đang đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân.
 
Cũng như nhiều gia đình khác ở thôn Bừng Núi, xã Thanh Hải do thấy được hiệu quả từ vụ hành năm 2009, vụ đông năm nay, gia đình chị Vi Thị Lành đã mạnh dạn trồng thêm 7 sào hành lai lấy củ. Ngoài mấy sào ruộng khoán của gia đình, chị còn mượn thêm ruộng của anh em để trồng. Do nắm được kỹ thuật chăm sóc, cộng với những kinh nghiệm đúc kết từ vụ hành năm 2009 nên đến thời điểm này toàn bộ diện tích hành của gia đình đang chuẩn bị cho thu hoạch và đạt hiệu quả cao. Chị Vi Thị Lành vui vẻ cho biết: “Nếu như trước cũng chân ruộng này, tôi trồng khoai lang để phục vụ chăn nuôi, hiệu quả kinh tế thấp. 2 năm lại đây, gia đình tôi trồng hành đã nâng cao thu nhập rõ dệt, mỗi sào hành sau 4 tháng cũng cho thu hoạch hơn 3 triệu đồng trừ chi phí…”
 
Với những chân ruộng này, trước đây chủ yếu chị để trồng khoai lang và ngô vụ đông nên năng suất thấp, nay chuyển sang trồng hành hoa và hành củ giá trị kinh tế được tăng lên gấp đôi. Bình quân một sào có thể thu về từ 7 đến 8 tạ hành củ, cao có thể lên 1 tấn củ. Với giá bán của năm ngoái, 1kg hành củ dao động từ 8 đến 10 nghìn đồng thì một sào cho thu về từ 7-10 triệu đồng. Thấy hiệu quả cao, người dân thôn Bừng Núi đã tận dụng quỹ đất để sản xuất hành đại trà, với diện tích trên 15 mẫu, chiếm trên 50% đất canh tác của thôn. Ông Vũ Văn Sáng - trưởng thôn Bừng Núi – Thanh Hải cho biết: Trước đây, hầu hết diện tích canh tác của thôn chủ yếu trồng khoai lang, ngô hoặc bỏ trắng, nay hầu hết đã được người dân trồng hoa mầu vụ đông, đặc biệt là cây hành. Nếu vụ hành này thắng lợi, thôn tiếp tục chỉ đạo bà con mở rộng thêm diện tích hành vào vụ đông năm sau.
 
Không chỉ riêng thôn Bừng Núi, đến nay cây hành đã phát triển đến nhiều thôn trong xã, với diện tích 15,5 ha. Đặc biệt có những thôn vùng 3 như Vàng 2 gặp nhiều khó khăn về điều kiện canh tác nhưng người dân cũng phát triển khá mạnh cây hành. Do đặc tính cây hành rất dễ trồng, dễ chăm sóc, bình quân cứ 10 ngày người nông dân lại tưới nước và bón phân kali một lần, sau 4 đợt thì hành cho thu hoạch. Không những thế thị trường tiêu thụ thuận lợi, người nông dân sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Đến thời điểm này, hành đang bước vào kỳ làm củ và chuẩn bị cho thu hoạch vào dịp tết Nguyên đán.
 
Như vậy, trồng hành không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người nông dân mà cao hơn cả là phương thức sản xuất cố hữu của đồng bào dân tộc được thay đổi rõ rệt. Đây sẽ là điều kiện tốt để chính quyền địa phương chỉ đạo xây dựng cánh đồng cho thu nhập cao và vùng sản xuất rau nguyên liệu trong những năm tiếp theo./.
 
Nguyễn Đoàn