Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là chủ trương lớn của Nhà nước, trong đó nội dung quan trọng là triển khai đưa hàng Việt về nông thôn. Tuy nhiên, sau hơn ba năm triển khai, người dân nông thôn vẫn chưa có nhiều cơ hội để lựa chọn hàng tiêu dùng sản xuất trong nước bảo đảm chất lượng, hợp túi tiền bởi hệ thống phân phối còn nhiều bất cập.
Cuối năm 2011, tại huyện Việt Yên, phiên chợ "Hàng Việt về nông thôn" do Sở Công thương phối hợp với UBND huyện Việt Yên tổ chức đã thu hút được đông đảo người dân tham quan, mua sắm. Tuy nhiên, theo một số người tiêu dùng thì các doanh nghiệp (DN) chủ yếu đến phiên chợ để bán hàng, ít quan tâm phát triển hệ thống phân phối sau phiên chợ nên người tiêu dùng mau chóng quên sản phẩm và không có ấn tượng nhiều đối với sản phẩm mình đã từng mua. Trong khi đó, thị trường nông thôn được các chuyên gia đánh giá là có nhiều tiềm năng, nếu DN quan tâm đầu tư khai thác thì khả năng tiêu thụ hàng hóa rất lớn vì đây là thị trường có tính cạnh tranh tương đối thấp so với các thị trường thành thị. Tìm hiểu được biết, mạng lưới cung ứng hàng hoá cho khu vực nông thôn hiện chỉ có một số DN lớn ở TP Bắc Giang như: Công ty TNHH Chiến Nga, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại dịch vụ Tiến Thành… tham gia với đội xe chuyên nghiệp. Còn lại chủ yếu do thương nhân kinh doanh nhỏ lẻ trong và ngoài tỉnh đảm nhận nên hàng hóa về vùng nông thôn phải qua nhiều khâu trung gian, khiến giá các mặt hàng cùng loại thường cao hơn các khu trung tâm. Nguyên nhân có ít DN quan tâm đến hệ thống phân phối là do họ chỉ coi trọng sản xuất, chưa chú trọng lưu thông hàng hóa và mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường nông thôn. Nhiều DN vẫn còn giữ cách nghĩ, người dân nông thôn là những người "ít tiền", không có nhu cầu sử dụng những mặt hàng chất lượng cao nên chỉ cung ứng về thị trường nông thôn những mặt hàng thứ cấp. Do vậy, người dân nông thôn ít có cơ hội được sử dụng những mặt hàng sản xuất trong nước vừa túi tiền.
Thực tế trên cho thấy sự cần thiết phải tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả của các kênh phân phối, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Bên cạnh các loại hình như trung tâm mua sắm, siêu thị, các nhà quản lý và các DN cần quan tâm nhiều hơn tới các chợ, cửa hàng và hệ thống bán lẻ cá thể, bởi riêng khu vực nông thôn hệ thống các chợ đáp ứng hơn 80% nhu cầu tiêu dùng của người dân. Cùng đó, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ và khuyến khích đầu tư phát triển thương mại, tổ chức các hội chợ, triển lãm đưa hàng Việt về nông thôn thường xuyên hơn để quảng bá hàng hoá trong nước, trong tỉnh tới người tiêu dùng.
Nguồn Báo Bắc Giang
Tin liên quan:
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây theo công nghệ Hàn Quốc (12-11-2024)
- Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của huyện Lục Nam (21-10-2024)
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (28-08-2024)