Trái với suy nghĩ của chúng tôi trước khi lên Sơn Động tìm hiểu về tình hình sản xuất vụ đông, vừa mới gặp Phó Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Sơn Động Nguyễn Văn Khới bắt chặt tay tôi và thông tin một câu rất dân dã: “Vụ đông này khởi đầu “ngon” rồi  chú à”! Nói rồi anh pha ấm trà mời, giải thích cho tôi nghe cái sự “ngon” của vụ đông này. “Diện tích theo kế hoạch đề ra thì không phải bàn nhưng điều quan trọng là cơ cấu cây trồng đã có sự chuyển biến”! Anh Khới mở đầu câu chuyện với chúng tôi.
Được biết thực hiện vụ đông năm nay, toàn huyện Sơn Động sẽ gieo trồng 950 ha gồm ngô, khoai lang, khoai tây và rau đậu các loại. Trong câu chuyện cùng anh Khới, chúng tôi dần hiểu ra cái “ngon” của Sơn Động trong vụ đông này chính là cây khoai tây. Anh Khới bảo: Sau khi thử nghiệm cây khoai tây trên đồng đất nơi đây, thấy cây trồng này rất phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương, từ vụ đông trước Huyện uỷ, UBND huyện đã chỉ đạo phòng, ban chuyên môn và Chi nhánh Công ty cổ phần Vật tư kỹ thuật Nông nghiệp Sơn Động (CPVTKTNN) triển khai trồng cây khoai tây trên diện rộng. Ở vụ đông năm trước, ban đầu kế hoạch chỉ xây dựng trồng 20-30ha cây khoai tây song người dân đã đăng ký thực hiện đạt gần 70ha. Thực tế cho thấy mỗi sào khoai tây trừ chi phí sản xuất cho thu nhập 2 triệu đồng. Chính vì thế vụ đông năm nay, toàn huyện Sơn Động có kế hoạch trồng 150ha cây khoai tây.
Có lẽ điều quan trọng hơn cả khiến người dân lựa chọn cây trồng này cho sản xuất vụ đông chính là việc được “mắt thấy, tay sờ” qua mô hình trình diễn và sự liên kết chặt chẽ bằng hợp đồng với đơn vị thu mua mà Chi nhánh Công ty CPVTKTNN Sơn Động là đơn vị kết nối. Ông Trần Công Xứng, Giám đốc Chi nhánh Công ty CPVTKTNN Sơn Động cho biết: Vụ đông trước, do tâm lý còn e ngại, Công ty đã thoả thuận mượn những chân ruộng bà con không canh tác để trồng khoai tây tạo mô hình cho bà con đến học tập với mục tiêu để khẳng định lòng tin. Cùng đó, đơn vị cung ứng giống, phân bón trả chậm cho bà con.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, giống khoai tây Alantic của Viện Cây lương thực thực phẩm có  nhiều ưu điểm như hạn chế tối đa tỷ lệ nhiễm sâu bệnh và năng suất đạt từ 0,8 đến 1 tấn, cao gấp 1,5 lần so với các giống khoai tây khác trước đây đã trồng trên địa bàn. Bí thư Đảng uỷ xã An Lập Đàm Hồng Phúc cho biết: Với vụ đông bà con thường quen trồng ngô nhưng chuẩn bị bước vào vụ đông này giá vật tư phân bón tăng khiến không ít người dân còn băn khoăn. Chủ trương đưa cây khoai tây thật hợp lòng dân và khiến họ yên tâm sản xuất. Ông Nguyễn Văn Hội, thôn Tam Hiệp, xã An Lập thì nhận xét: “ Trồng khoai tây chỉ cần giữ ẩm thường xuyên cho đất là được. Khi phát hiện có rệp, nhện thì phun thuốc trừ. Do đó nên vụ đông này, tôi đã đăng ký trồng 3 sào”.
Hiện nguồn nước phục vụ cho sản xuất vụ đông ở vùng cao Sơn Động vẫn thuận lợi. Hy vọng với sự xuất hiện của cây khoai tây, nhân tố mới trong chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng sẽ tạo điểm nhấn trong vụ đông này và mang lại những mùa vàng bội thu cho nông dân vùng cao Sơn Động
BGO.