Để thực hiện tiêu chí tăng thu nhập, thay đổi nhận thức của người dân về cách thức tổ chức sản xuất nên 2 năm qua, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, các xã điểm nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Tuy nhiên, việc thực hiện dự án hỗ trợ còn một số khó khăn, hạn chế cần sớm khắc phục.
Năm 2011-2012, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất (PTSX) được thực hiện tại 40 xã điểm xây dựng nông thôn mới (XDNTM) trên địa bàn tỉnh với số tiền đầu tư 12 tỷ đồng. Năm 2011, mỗi xã được hỗ trợ 100 triệu đồng, năm 2012 tăng lên 200 triệu đồng/xã. Căn cứ vào đồ án quy hoạch, tiềm năng lợi thế của mình, các xã đã xây dựng nhiều mô hình hỗ trợ như phát triển lúa chất lượng, lúa hàng hóa; trồng chè, khoai tây chế biến, cà rốt, hành, thuốc lá, ngô giống; trồng nấm, hoa ly, lay ơn; chăn nuôi lợn, gà, bò, thuỷ sản; chăm sóc vải theo quy trình VietGAP; đưa cơ giới vào sản xuất… Nhờ chọn lựa nội dung thực hiện sát thực tế nên dự án bước đầu góp phần làm thay đổi cách thức tổ chức sản xuất của người dân.
Ông Trần Minh Thăng, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến (TP Bắc Giang) cho biết: "Căn cứ vào quy hoạch, đầu năm 2012, xã chỉ đạo cán bộ chuyên môn lựa chọn vùng, cây trồng dự kiến đưa vào sản xuất; tổ chức thực hiện ngay khi có vốn để kịp thời vụ. Trên diện tích 21 ha tại thôn Văn Giàng và Thanh Cảm, UBND xã xây dựng 2 mô hình trồng cà rốt và hành thương phẩm". Các hộ tham gia được hỗ trợ một phần kinh phí mua giống cà rốt Nhật Bản thay thế giống cũ, hướng dẫn phương pháp canh tác IPM. Theo đó, các hộ dùng vôi bột diệt mầm bệnh trong đất trước khi trồng, bón phân cân đối, sử dụng thuốc sinh học phòng trừ sâu bệnh. Ngoài ra, đến vụ thu hoạch, các thôn bố trí địa điểm cho thương nhân thu mua sản phẩm. Bởi vậy, 2 mô hình ở xã Tân Tiến thắng lớn. Cà rốt cho năng suất 30 tấn/ha, thu lãi khoảng 80 triệu đồng; hành lãi 50-60 triệu đồng/ha. Năm 2012 thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt 15 triệu đồng, tăng hơn 1 triệu so với năm 2011.
Bà Nguyễn Thị Vi, thôn Thanh Cảm nói: "Cà rốt và hành được trồng theo phương pháp an toàn sinh học nên tiêu thụ thuận lợi, giá bán cao. Chỉ trong 3 tháng, với 3 sào cà rốt và hành vụ đông, tôi thu lãi khoảng 15 triệu đồng. Vụ xuân này, gia đình tôi trồng 3 sào cà rốt nữa". Cách quản lý kinh phí hỗ trợ của Tân Tiến rất chặt chẽ, đó là sau khi các hộ trồng hành, cà rốt được một tháng, Ban quản lý XDNTM xã nghiệm thu thực tế diện tích của từng hộ sau đó mới hỗ trợ.
Bằng nguồn vốn hỗ trợ PTSX, vụ đông năm 2012, nhiều xã điểm xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh liên kết với doanh nghiệp sản xuất khoai tây chế biến với diện tích lớn, mang lại thu nhập cao. Điển hình như xã Tư Mại (Yên Dũng) sản xuất khoai tây trên cánh đồng mẫu lớn 50 ha. Tại huyện Hiệp Hoà, cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện liên kết với Công ty Thương mại Tân Nông tích cực vận động nông dân ở các xã điểm nông thôn mới mượn ruộng trồng khoai tây gắn với bao tiêu sản phẩm.
Anh Phạm Duy Trung, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: "Ngoài trực tiếp sản xuất cùng các hộ, chúng tôi hướng dẫn nông dân làm đất bằng máy móc và kỹ thuật trồng, chăm sóc. Bởi vậy, vụ đông năm 2012, huyện trồng được 30 ha khoai tây chế biến tập trung tại xã Danh Thắng và Đức Thắng, thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha".
Ngoài những mô hình trên, còn có nhiều mô hình hỗ trợ PTSX phát huy tiềm năng, lợi thế, hiệu quả kinh tế cao như: Sản xuất thuốc lá tại xã Hương Vỹ, nuôi gà an toàn sinh học tại xã An Thượng; chăm sóc vải VietGAP ở xã Đồng Tâm (Yên Thế); sản xuất lúa hàng hoá chất lượng tại 4 xã điểm Tân Dĩnh, An Hà, Tân Hưng, Yên Mỹ (Lạng Giang) quy mô 180 ha; cơ khí hoá khép kín trong sản xuất lúa chất lượng HT6 tại xã Quang Tiến (Tân Yên); trồng hoa ly chất lượng cao tại xã Song Mai, Dĩnh Trì (TP Bắc Giang); nuôi thủy sản ở Hoàng Lương (Hiệp Hoà) và Cao Thượng (Tân Yên)…
Hiệu quả của dự án hỗ trợ PTSX đã được khẳng định, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của các hộ dân ở các xã điểm nông thôn mới chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hoá tập trung, gắn với bao tiêu sản phẩm.
Tuy nhiên, thực tế thực hiện dự án 2 năm qua còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế: Năm 2011, 2012 do trung ương phân bổ vốn chậm, các văn bản hướng dẫn thực hiện dự án chưa kịp thời nên một số xã còn lúng túng khi lựa chọn mô hình. Ví như xã Bảo Đài, Tiên Hưng (Lục Nam). Riêng xã Bảo Đài, năm 2012 đầu tư không cân đối (dành 171 triệu mua phân bón, chỉ dành 29 triệu mua giống lúa).
Tại xã Liên Sơn (Tân Yên) với số vốn đầu tư 200 triệu đồng, xã chia nhỏ hỗ trợ 6 mô hình nhỏ lẻ. Xã Đoan Bái (Hiệp Hoà) cũng xây dựng 6 mô hình; xã Bích Sơn (Việt Yên) làm 7 mô hình, chưa theo đúng hướng dẫn của Thông tư 26 liên Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2011 là chỉ nên chọn 1-2 mô hình.
Bên cạnh đó, các xã cơ bản chỉ tập trung vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, kỹ thuật sản xuất đơn giản, chưa có mô hình áp dụng công nghệ cao. Cơ bản các xã hỗ trợ mô hình thông qua hộ gia đình là chính, hỗ trợ qua tổ hợp tác, hợp tác xã rất ít. Nguyên nhân của sự hạn chế trên là do một số xã thiếu quy hoạch sản xuất cụ thể, quy hoạch cho từng sản phẩm chủ lực, chưa chuẩn bị và bố trí sớm danh mục các dự án sản xuất.
Năm nay, mức đầu tư hỗ trợ sản xuất ở các xã điểm tăng lên 275 triệu đồng/xã (tương đương 11 tỷ đồng). Để nguồn vốn này phát huy hiệu quả, trước hết các xã cần căn cứ quy hoạch tổng thể sản xuất nông nghiệp của tỉnh để lựa chọn các sản phẩm mũi nhọn phù hợp, vùng sản xuất tập trung, liên kết doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm.
Về phía các huyện cần lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ, hướng dẫn các xã không đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp. Đồng thời phát triển các hợp tác xã, tạo điều kiện để hợp tác xã tổ chức sản xuất, nhiều hộ dân tham gia được hưởng lợi.
Hải Minh
Tin liên quan:
- Phát hiện ra gien ở rễ có thể hỗ trợ nhân giống cây ngô có sức chống chịu tốt hơn (10-04-2023)
- Yên Thế: Tập trung chăm sóc cây trồng vụ Đông (24-11-2022)
- Cách trồng hành lá bằng hạt trong chậu (17-11-2022)