Với giá trị kinh tế cao gấp 4-5 lần so với trồng lúa, nhiều người dân xã Tân Thịnh đã chọn cây rau màu để phát triển kinh tế gia đình. Trong đó tập trung chính vào 2 loại cây rau chế biến là cà chua bi và dưa bao tử.
 
Ông Nguyễn Hữu Trung – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, Tân Thịnh là xã có truyền thống về trồng cây rau màu do có điều kiện đất đai màu mỡ, nguồn nước tưới tiêu thuận lợi và người dân có kinh nghiệm trồng, chăm sóc. Trước đây họ thường trồng cây bí xanh, dưa leo và thuốc lá. Nhưng từ vụ đông năm 2009, khi Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trường Nông nghiệp Hà Nội triển khai xây dựng thí điểm mô hình 04 ha cà chua bi (sử dụng giống cà chua bi Thúy Hồng) thì giống đã cho hiệu quả cao ngay ở vụ đầu. Trải qua nhiều vụ khảo nghiệm, đánh giá với nhiều loại giống cây khác nhau, đến nay cây cà chua bi HT144 và dưa bao tử đã thực sự khẳng định giá trị kinh tế trên đồng đất địa phương bởi những ưu điểm vượt trội về năng suất cao, mẫu mã quả đẹp, khả năng nhiễm sâu bệnh thấp… và trở thành cây trồng chính đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng/vụ/năm cho nhiều người dân ở thôn Lèo, Đồng và Hải. Đây cũng là hai loại rau chế biến được xã, huyện đầu tư hỗ trợ thành vùng sản xuất tập trung, góp phần lớn vào việc tăng thu nhập cho người dân và nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích đất canh tác của xã nông thôn mới Tân Thịnh.
 
Một điều đáng mừng cho người dân xã Tân Thịnh là được ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra với các doanh nghiệp, Công ty trước khi bước vào vụ sản xuất. Bà Hoàng Thị Quế ở thôn Đồng chia sẻ: “Từ 3 năm trở lại đây, vụ xuân năm nào gia đình tôi cũng trồng từ 2-3 sào cà chua bi và dưa bao tử. Sản phẩm chúng tôi thu hoạch đến đâu là được Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thịnh thu mua hết đến đó. Tùy theo từng loại có giá khác nhau nên chúng tôi không lo không bán được”. Cũng giống như bà Quế, nhiều người dân địa phương cũng bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi khi thành quả lao động của họ đã có được đầu ra tương đối ổn định nhờ sự liên kết chặt chẽ giữa chính quyền với các doanh nghiệp.  Nếu là những cây trồng mới đưa vào sản xuất vụ đầu theo quy mô tập trung ở địa phương thì UBND xã Tân Thịnh sẽ trực tiếp đứng ra ký hợp đồng với bên thu mua, còn lại những loại cây trồng khác giao cho Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thịnh ký kết.
 
Vụ xuân năm nay, sản phẩm cà chua bi đã được Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thịnh đã ký hợp đồng bao tiêu với Công ty CP Chế biến Thực phẩm xuất khẩu G.O.C đóng tại huyện Lạng Giang, Bắc Giang với giá tối thiểu là 4.000 đồng/kg. Thời điểm này bà con nông dân đã thu hoạch xong, ước tính năng suất bình quân đạt 1,8-2 tấn/sào, trừ chi phí mỗi sào còn lãi khoảng 5 triệu đồng. Còn sản phẩm dưa bao tử, hiện người dân địa phương đang thu hoạch, năng suất ước đạt 1,5 tấn/sào, trừ chi phí còn lãi 3,5-4 triệu đồng/sào. Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thinh đã ký hợp đồng thu mua sản phẩm cho bà con nông dân với Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và xuất nhập khẩu Bình Minh, Hải Phòng, giá loại 1 là 9.500 đồng, loại 2 là 6.500 đồng và loại 3 là 4.000 đồng. Ông Đặng Đình Thìn – Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thịnh cho biết: “Do thị trường tiêu thụ năm nay tương đối ổn định nên người dân sản xuất rất phấn khởi, giá cả cũng hợp lý mà năng suất cây trồng khá cao. Trung bình mỗi ngày Hợp tác xã thu mua từ 250-300 tấn/ 2 loại sản phẩm”.
 
Được biết, toàn xã Tân Thịnh mỗi năm có khoảng 60 ha trồng rau màu vụ xuân, trong đó trên 20 ha trồng cà chua bi, dưa bao tử khoảng 10 ha, còn lại là diện tích trồng thuốc lá, bí xanh, dưa chuột nhật, đỗ cô-ve… Theo đánh giá của nhiều người dân thì dưa bao tử và cà chua bi là hai loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao hơn cả, trong đó sản phẩm dưa bao tử thường có giá cả ổn định, cây ít sâu bệnh và thời gian chuyển vụ ngắn hơn cà chua bi. Tuy nhiên, để cây rau chế biến đạt năng suất cao, theo kinh nghiệm của người dân xã Tân Thịnh thì khâu chọn đất là quan trọng. Đó phải là những chân đất tơi xốp, giàu chất dinh dưỡng, luôn để ẩm mặt luống nhưng không được để nước úng trữ lại, chú ý phòng trừ sâu bệnh kịp thời, đặc biệt là bệnh héo xanh trên cây cà chua.
 
Theo Trung tâm KNKN Bắc Giang