1. Giống đậu tương ĐT26
 
1.1 Nguồn gốc:
 
 Giống đậu tương ĐT26 được chọn lọc từ tổ hợp lai giữa ĐT2000 x ĐT12. Được công nhận giống cho sản xuất thử năm 2008 theo Quyết định số 111/QĐ-TT-CCN ngày 03 tháng 06 năm 2008.
 
1.2. Đặc điểm chính
 
- Giống đậu tương ĐT26 có thời gian sinh trưởng trung bình 90 - 95 ngày. 
 
- Chiều cao cây 45-60cm, hoa màu trắng, hạt vàng, rốn nâu đậm, quả chín có màu nâu, phân cành khá từ 2-3 cành/cây, có 30-55 quả chắc/cây, tỷ lệ quả 3 hạt 20-40%. Khối lượng 100 hạt (18-19 g).
 
- Năng suất 21-29 tạ/ha, tuỳ thuộc vào mùa vụ và điều kiện thâm canh.
 
- Giống thích hợp nhất trong vụ Xuân và vụ Đông. Giống ĐT26 nhiễm nhẹ bệnh gỉ sắt, chịu giòi đục thân, chống đổ.
 
1.3. Kỹ thuật canh tác
 
- Loại đất gieo trồng: Giống đậu tương ĐT26 có thể gieo trồng trên nhiều loại đất, nhưng thích hợp nhất là đất cát pha, thịt nhẹ giàu dinh dưỡng, dễ tưới tiêu.
 
- Thời vụ: Vụ xuân: 20/2- 5/3; Vụ đông: 20/9-30/9.
 
- Mật độ và khoảng cách gieo: Vụ xuân: 30 cây/m2; Vụ đông: 40 cây/m2.
 
- Lượng hạt: Gieo theo hàng 60 kg/ha, nếu gieo vãi lượng hạt giống 75-80kg/ha.
 
Khi gieo xong cần phủ đất hoặc rạ (đất ướt sau vụ lúa mùa) kín hạt.
 
- Phân bón cho 1 ha: 30N: 60 P205 : 60 K20 + 8 tấn phân chuồng hoai mục. Lượng phân bón cho một sào (360m2) là phân chuồng: 300-360 kg; đạm urê: 2-3 kg; Supe lân 10 kg; Kali 4-5kg.
 
- Cách bón: Đối với nền đất màu có độ ẩm vừa phải thì bón lót toàn bộ lân, phân chuồng, 1/2 đạm, 1/2 kali. Bón thúc vào giai đoạn cây có 4-5 lá thật số còn lại. Trước khi gieo hạt cần phủ đất lên phân lót tránh để hạt tiếp xúc với phân.
 
2. Giống đậu tương ĐT22
 
2.1. Nguồn gốc
 
Giống đậu tương ĐT22 chọn tạo từ dòng đột biến hạt lai của tổ hợp DT95 và ĐT12. Giống được công nhận chính thức năm 2006.
 
2.2. Đặc điểm chính
 
- Giống đậu tương ĐT22 có thời gian sinh trưởng trung bình 85-90 ngày
 
- Chiều cao cây 45-70 cm, ĐT22 có hoa màu trắng, phân cành trung bình, số quả chắc trung bình đạt 25-45 quả/cây, có khoảng 16-20% số quả 3 hạt. Khối lượng 1000 hạt từ 140 - 150 gam, hạt màu vàng sáng, rốn hạt màu nâu, nâu đen.
 
- Năng suất 15-27 tạ/ha.
 
- Giống có thể trồng được 3 vụ trong năm, giống chịu đất ướt và nhiễm bệnh mức nhẹ đến trung bình đối với một số bệnh hại chính.
 
- Giống đậu tương ĐT22 phù hợp với cơ cấu:
 
ĐT22 xuân + Lúa mùa + ĐT22 đông
 
Lúa xuân + Lúa mùa + ĐT22 đông
 
Lạc Xuân + ĐT22 hè + Cây vụ đông
 
2.3. Kỹ thuật canh tác
 
- Chọn đất và làm đất:Có thể gieo trồng trên nhiều loại đất, thích hợp nhất là đất cát pha,thịt nhẹ giàu dinh dưỡng, dễ tưới tiêu. Đất được cày bừa kỹ, nhặt sạch cỏ dại, lên luống rộng 1,2-1,5m, rãnh rộng 20-30cm, cao từ 10-15cm. ở vùng đất bãi có thể lên luống rộng 2,5-3m.
 
- Thời vụ:   + Vụ xuân gieo từ 20/2-10/3
 
                  + Vụ hè gieo từ 15/5-15/6
 
+ Vụ đông gieo từ 20/9-10/5
 
- Mật độ và khoảng cách:
 
+ Vụ xuân: 30-35 cây/m2 (Hàng cách hàng 40cm, hốc cách hốc 11-13 cm, gieo 2 hạt/hốc)
 
+ Vụ xuân: 25-30 cây/m2 (Hàng cách hàng 40cm, hốc cách hốc 13-14 cm, gieo 2 hạt/hốc)
 
+ Vụ xuân: 40-45 cây/m2 (Hàng cách hàng 40cm, hốc cách hốc 8-10 cm, gieo 2 hạt/hốc)
 
- Phân bón: Bón 5 tấn phân chuồng + 30N + 60P2O5 + 40K2O.
 
- Cách bón: Bón lót toàn bộ phân chuồng + phân lân, đạm và kali bón thúc khi làm cỏ xới xáo đợt 1.
 
- Kỹ thuật gieo trồng và chăm sóc: Rạch hàng ngang với luống và gieo khoảng cách theo từng thời vụ, lấp sâu 1-2cm. Nếu đất khô phải tưới nước. Sau khi gieo 10-15 ngày thì xới xáo làm cỏ đợt 1 kết hợp bón thúc, sau gieo 20-30 ngày xới xáo vun cao. Thời kỳ này nên kết hợp phun thuốc trừ sâu + tưới nước nếu gặp hạn).
 
- Phòng trừ sâu bệnh: Phun phòng bệnh rỉ sắt, phấn trắng, nở cổ rễ bằng thuốc Daconin, Rovran. Đặc biệt là sâu đục hoa, sâu khoang nên cần chú ý phát hiện phòng trừ kịp thời.
 
- Thu hoạch: Khi trên ruộng, đậu tương rụng lá, quả chuyển từ màu xanh sang màu vàng tiến hành thu hoạch vào ngày nắng ráo. Phơi khô tách hạt, nhặt sạch hạt sâu, lép.
 
 Nguồn: Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngưVĩnh Phúc