Về thôn Quỳnh Độ, xã Bắc Lũng (Lục Nam) dịp này, nhà nhà rộn ràng, không khí thu hoạch nhộn nhịp. Khoai lang giờ không chỉ để chống đói nữa, nó được nâng tầm trở thành loại cây cho thu nhập chính, gấp 3 đến 4 lần tr
Nhận thấy tình trạng đồng ruộng bị hoang hóa, người nông dân đi làm thuê ở xa, kinh tế vô cùng khó khăn. Chị Nguyễn Thị Khoa (SN 1968), Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn Quỳnh Độ lên ý tưởng thành lập “Tổ phụ nữ liên kết trồng khoai lang” giúp nhau làm kinh tế. Đến từng nhà để tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ tập hợp nhau lại, mở rộng diện tích trồng cây khoai lang giống mới. Ra đời từ tháng 4/2014, tổ tập hợp 18 thành viên phụ nữ thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trồng trọt, hỗ trợ nhau về vốn, khoa học kỹ thuật và ngày công lao động. Hiện Quỳnh Độ có hơn 15 hec-ta khoai lang được trồng trên các cánh đồng Mốc, Kê, Trại, Đồi Tám, Đồng Đẳng, Trầm Khánh, Dộc Giàu, chiếm 1/3 diện tích đất tự nhiên. Theo ước tính sơ bộ, một sào thu được một tấn khoai lang hàng hóa. Trồng khoai lang không tốn nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư về giống, phân bón, khâu làm đất, thuỷ lợi phí... chỉ bằng 2/3 cây lúa. Chị em phụ nữ Quỳnh Độ đã có nhiều nỗ lực trong việc chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang trồng cây hoa màu phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng. Chị Nguyễn Thị Trích (SN 1965), Phó chủ nhiệm Tổ phụ nữ liên kết trồng cây khoai lang thôn Quỳnh Độ chia sẻ: “Để trồng một sào khoai lang, chúng tôi chỉ cần đầu tư 900.000Đ với cây giống, phân bón, tiền công. Lợi nhuận khi thu hoạch hàng hóa lên tới 4 triệu đồng/ sào, gấp 3 lần so với cấy lúa. Giờ làm ruộng ham lắm, không ai bỏ hoang nữa”.
Gia đình chị Nguyễn Thị Nhật (SN 1969) trồng hơn 10 mẫu khoai lang, với giá thành năm nay, khoai lang được thị trường thu mua với giá 4 - 5 nghìn đồng/kg cho thu nhập khoảng 40 - 50 triệu đồng/ mẫu (tương đương với 10 tấn củ), chưa tính tới giá trị phần lá khi dùng làm thức ăn phục vụ chăn nuôi, hoặc củ tươi được chế biến thành sản phẩm khoai gieo. Với hiệu quả này, khoai lang đã cho thu nhập vượt trội, gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa. Mùa khoai năm nay, gia đình chị Nhật đã có tiền mua ti vi mới, chị không phải vay lãi cho con đi học nữa. Trước đây, việc trồng khoai lang được nhiều bà con trong xã coi như là để chống đói, làm thức ăn phục vụ chăn nuôi... Nhưng suy nghĩ giờ đã khác, nông dân trong xã đã coi khoai lang là loại cây làm giàu tương đối hiệu quả. Không ít chị em trong xã nhờ trồng khoai lang mà mỗi năm có thu nhập lên tới hơn 100 triệu đồng, như chị Linh, chị Hoan, chị Tới, chị Vẻ…Hiện nay, thôn Quỳnh Độ chỉ còn 8% số hộ nghèo và cận nghèo, giảm 5% so với năm 2013.
Vừa qua Hội Phụ nữ huyện Lục Nam đã mở các lớp đào tạo về cách thức chế biến khoai gieo, hỗ trợ vay vốn sản xuất. Đây chính là sự hỗ trợ có ý nghĩa thiết thực, nhằm động viên, giúp đỡ chị em mạnh dạn phát triển sản xuất xoá đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, giúp giảm tình trạng ly nông ly hương tại nông thôn./.
Tuyết Mai
Tin liên quan:
- Phát hiện ra gien ở rễ có thể hỗ trợ nhân giống cây ngô có sức chống chịu tốt hơn (10-04-2023)
- Yên Thế: Tập trung chăm sóc cây trồng vụ Đông (24-11-2022)
- Cách trồng hành lá bằng hạt trong chậu (17-11-2022)