Những năm gần đây phong trào dồn điền đổi thửa xây dựng cánh đồng mẫu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã tạo được kết quả tích cực, từ đó hình thành nhiều tổ chức sản xuất, chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Qua đo hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, góp phần phát triển kinh tế.
 
Trước đây, trên những thửa ruộng trồng màu gia đình bà Triệu Thị Lộc, thôn Khoát, xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa chỉ biết cấy lúa hiệu quả kinh tế thấp, mỗi sào 1 vụ chỉ thu được khoảng 1 triệu đồng/vụ. Sau khi được Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Thịnh tuyên truyền, vận động tham gia vào trồng dưa chuột xuất khẩu cung cấp nguyên liệu cho Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C . Không chỉ tư duy của người nông dân thay đổi mà giá trị kinh tế trên 1 đơn vị diện tích đất canh tác đã cao hơn gấp 4-5 lần so với cấy lúa.
Bà Triệu Thị Lộc cho biết: “Khi tham gia trồng cây dưa chuột xuất khẩu tuy có vất vả hơn cấy lúa nhưng năng suất và thu nhập cao hơn nhiều so với cấy lúa”.
 
Khi tham gia vào mô hình xản xuất dưa chuột xuất khẩu nông dân được doanh nghiệp đầu tư giống, vốn, thuốc bảo vệ thực vật và được hướng dẫn quy trình chăm sóc cây trồng. Trong đó, HTX Nông nghiệp Hưng Thịnh đóng vai trò tổ chức sản xuất. Đựợc biệt, để tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người nông dân, HTX huy động Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C đóng góp 20% cổ phần vào HTX.
 
Hiện nay, huyện Hiệp Hòa có 27 cánh đồng mẫu thì có trên 50% cánh đồng thực hiện tốt chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân và nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích đất canh tác đạt hơn 83 triệu đồng/ha.
 
Ngoài hình thức liên kết sản xuất, tại xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng hơn 200 hộ dân của xã đã cho HTX Rau sạch thuê lại 11ha ruộng với mức thuê 1 triệu đồng/năm để sản xuất rau sạch. Đặc biệt, tham gia vào mô hình này người nông dân không bị mất ruộng mà lại được HTX Rau sạch thuê nhân công lao động sản xuất rau trên chính thửa ruộng của gia đình mình với thu nhập 130.000/ngày.
 
Ông Trần Văn Đông, thôn Cổ Dũng, xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng cho biết: “Trước đây chúng tôi cấy lúa rất vất vả, từ khi doanh nghiệp về đây sản xuất rau sạch tại địa phương, chúng tôi đã có việc làm ổn định và thu nhập cao hơn”.
 
Xác định chỉ có thông qua chuỗi liên kết thoogn qua việc xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất thì mới nâng cao được giá trị kinh tế. Do đó, những năm gần đây Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương đẩy mạnh dồn điền đổi thửa được gần 12.000ha xây dựng 118 cánh đồng mẫu và nhiều HTX, tổ hợp tác. Qua đó hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có quy mô lớn góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế so với sản xuất đại trà từ 20-40%.
 
Phát huy kết quả đã đạt được ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó đấy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao năng suất, thu nhập cho nông dân.
 
Dự kiến đến cuối năm 2016, giá trị sản xuất bình quân trên đơn vị diện tích đất canh tác của tỉnh sẽ đạt hơn 91 triệu đồng/ha. Đây là kết quả của việc xác đinh đúng hướng đi, cách làm phù hợp nhất là thực hiện có hiệu quả giải pháp tạo chuỗi giá trị trong liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế địa phương./.
 
ĐT