Sản xuất vụ mùa thường gặp mưa lớn, làm ngập úng lúa, hoa màu, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Do đó, việc chuẩn bị kế hoạch tiêu úng được các đơn vị thuỷ nông chủ động thực hiện.
 
Trạm bơm Yên Tập, xã Yên Lư (Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thuỷ lợi (KTCTTL) Nam Yên Dũng) phục vụ tiêu úng cho hơn 1,2 nghìn ha lúa và hoa màu vụ mùa của các xã Nham Sơn, Yên Lư và thị trấn Neo. Ông Hoàng Ngọc Phan, Trưởng trạm bơm cho biết: "Trước đây, nông dân cấy bằng mạ dược thì việc tưới tiêu đỡ vất vả. Năm nay, 70% diện tích lúa khu vực này áp dụng biện pháp gieo sạ nên trạm phải lên kế hoạch điều tiết nước chi tiết cho từng giai đoạn, chỉ cần thừa nước hay gặp trận mưa lớn là lúa ở thời kỳ đầu có thể bị ngập úng. Thời điểm này, trạm cử cán bộ thường xuyên khơi thông vật cản ở bể hút, tránh ách tắc máy khi vận hành". 7 tổ máy tiêu nước của trạm công suất 3-6 nghìn m3/giờ đã được duy tu, sửa chữa. Bên cạnh đó, 10 tổ máy Trạm bơm Tư Mại sẵn sàng tiêu úng cho 1,7 nghìn ha lúa, hoa màu của các xã Tư Mại, Đức Giang, Cảnh Thuỵ, Đồng Phúc, Đồng Việt.
 
Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Nam Yên Dũng quản lý 9 trạm bơm, tiêu nước cho khoảng 14 nghìn ha lưu vực thuộc 16 xã khu Ba Tổng và Tây Bắc, một phần TP Bắc Giang và huyện Việt Yên. Để chủ động tiêu nước, Công ty sớm có phương án tiêu úng và phòng, chống lụt bão (PCLB) chi tiết với từng trạm bơm, đầu tư hơn 3 tỷ đồng sửa chữa, bảo dưỡng 126 tổ máy bơm các loại, nạo vét một số tuyến kênh tiêu chính và kênh cấp 2, chuẩn bị các phương tiện, vật tư phòng, chống lụt bão… Công ty cũng xác định những điểm hay xảy ra úng ngập thuộc trạm bơm Tân Liễu, Cổ Pháp nằm ở khu vực đê bối có cao trình đê thấp. Nhờ sự chủ động đó, trận mưa lớn xảy ra vào ngày 19-6 vừa qua, lượng nước đã kịp thời được tiêu thoát, hạn chế thiệt hại cho nông dân.
 
Cùng với Công ty Nam Yên Dũng, Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Sông Cầu cũng chủ động các điều kiện tiêu thoát nước với 19 trạm bơm có tổng số 215 tổ máy, công suất 700 đến 2.300m3/giờ. Đến nay, công ty đã hoàn thành nạo vét bể hút và kênh dẫn một số trạm bơm tưới tiêu kết hợp như: trạm bơm Trúc Núi, Việt Hòa, Quang Biểu và Cẩm Bào. Hệ thống kênh trục được sửa chữa hoàn thiện, bàn giao đưa vào sử dụng bảo đảm thoát lũ cho hệ thống. Tuy nhiên, theo lãnh đạo công ty, trạm bơm ven Sông Cầu gồm Ngọ Khổng 2, Cẩm Bào đặt trên nền đất yếu nên khi nước sông dâng cao thường bị thấm mái ngoài ở bể hút và kênh dẫn, mạch đùn, mạch sủi nhỏ. Các tuyến kênh tiêu như: Giá Sơn, Trúc Tay, Ngọ Khổng 1, Ngọ Khổng 2 có lòng kênh bị xâm phạm thu hẹp gây cản trở dòng chảy. Để giảm bớt những thiệt hại do úng, lụt, Công ty thành lập ban chỉ huy PCLB và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, xây dựng phương án PCLB chi tiết cho từng cụm công trình; giả định các trường hợp xảy ra sự cố và biện pháp xử lý như: xử lý lún, sạt trượt mái kênh do mưa hoặc thẩm lậu; xử lý mạch đùn, mạch sủi ở chân bờ kênh, bờ bể hút, bể xả…
 
Được biết, toàn tỉnh có 5 đơn vị thuỷ nông làm nhiệm vụ tưới tiêu nước phục vụ sản xuất. Theo Chi cục Thuỷ lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT) hiện 95% trên tổng số 467 tổ máy bơm được tu bổ, nâng cấp sửa chữa. Ông Nguyễn Hồng Kỳ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: "Mỗi năm, khoảng 25-30 nghìn ha cây trồng có nguy cơ bị úng ngập trong mùa mưa bão, tập trung ở các huyện: Lạng Giang, Hiệp Hoà, Việt Yên, Yên Dũng, Lục Nam, Tân Yên và TP Bắc Giang. Dự báo năm nay, lượng mưa và số trận mưa lớn hơn trung bình nhiều năm nên sở đã sớm có văn bản đề nghị các đơn vị thuỷ nông tu sửa máy móc, dự phòng vật tư, phương tiện ứng phó với mưa lớn bất thường". Tuy nhiên, việc tiêu thoát nước gặp nhiều trở ngại như rác thải, bèo tràn lan các lòng kênh. Tình trạng vi phạm lấn chiếm công trình thuỷ lợi ngày càng gia tăng, làm ách tắc dòng chảy, gây ngập úng cục bộ. Do đó, để công tác tiêu úng hiệu quả, bảo đảm năng suất cây trồng, bên cạnh việc chuẩn bị vật tư, nhân lực, sự chủ động của các đơn vị thuỷ nông thì ban chỉ huy phòng, chống lụt bão các huyện, thành phố cần thường xuyên kiểm tra, rà soát hiện trạng toàn bộ công trình thuộc phạm vi quản lý; thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ" bảo đảm ứng cứu kịp thời khi sự cố xảy ra. Cùng đó, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm lòng kênh, mương; vận động người dân khơi thông các tuyến kênh nội đồng, tích cực thực hiện biện pháp chống úng ngập để bảo đảm an toàn cho sản xuất vụ mùa.
 
Trịnh Lan