Thị trường hiện nay xuất hiện nhiều loại rau, củ, quả bị bơm tẩm hóa chất, chứa hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật cao, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người. Trước thực trạng trên, trồng rau an toàn công nghệ cao được xem là một trong những hướng đi quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Để có sản phẩm nông nghiệp an toàn, sạch bệnh thì mô hình trồng rau an toàn theo phương pháp thủy canh của anh Trần Văn Tùng và chị Đỗ Thị Hoài ở thôn Kiểu, xã Bích Sơn, huyện Việt Yên là một trong số đó. Bước đầu mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, giúp đa dạng hóa sản phẩm rau an toàn phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
 
Học tài chính… về quê trồng rau
 
Mặc dù hai vợ chồng anh Tùng, chị Hoài cùng học ngành tài chính, ra trường có một công việc ổn định với mức lương khá cao và có nhiều cơ hội thăng tiến trong cuộc sống, song với niềm đam mê nông nghiệp anh chị quyết định về quê thuê đất để trồng rau công nghệ cao và rau hữu cơ. Tiếp chúng tôi với nét mặt rạng rỡ, nụ cười tự tin của một người làm kinh tế anh Tùng nói: “So với trồng rau trên đất, trồng rau thủy canh có những ưu điểm vượt trội, thời gian chăm sóc ít, không tốn quá nhiều diện tích lại cho sản phẩm sạch”.
 
Thuê được 05 mẫu đất, anh Tùng dành 500m2 để trồng rau an toàn theo phương pháp thủy canh, đầu tư hơn 500 triệu đồng mua sắm các trang thiết bị, dụng cụ cần thiết như thanh đựng rau, máy bơm hút nước, các giống rau chất lượng cao, thiết kế hệ thống tưới tiêu, nhà kính đảm bảo sự thoáng mát, đặc biệt phải đúng kỹ thuật.
 
Áp dụng công nghệ cao
 
Anh Trần Văn Tùng cho biết, phương pháp trồng rau thuỷ canh được thiết kế các ống nhựa (đục lỗ) nối thành một hệ thống giàn trên các giá đỡ cao hơn so với mặt đất khoảng 1m để thay thế luống đất trồng. Thay cho gieo trồng trên mặt đất, hạt được ươm trong giá thể bằng xơ dừa trộn hợp chất dinh dưỡng trong những vỉ xốp khoảng 10 ngày thì đưa ra cấy trên luống. Bộ rễ phát triển dính chặt vào giá đỡ xơ dừa, cứ vậy mà hút dinh dưỡng trực tiếp từ nước đã pha chất dinh dưỡng theo đúng tiêu chuẩn quy định. Phương pháp thủy canh giúp cây phát triển tương đối tốt, độ đồng đều cao, tỷ lệ cây sống đạt trên 90%. Đồng thời, cây phát triển nhanh hơn so với trồng ngoài đất, khoảng 35 ngày sau khi đưa lên luống là được thu hoạch, giảm 10 - 15 ngày so với trồng bình thường. Đặc biệt, trồng trong nhà kính, thêm hệ thống lưới phủ bên trên nên không bị các loại côn trùng gây hại. Với hệ thống thủy canh hồi lưu dung dịch dinh dưỡng sẽ chảy đến từng cây trong hệ thống trước khi hồi lưu về thùng chứa. Hệ thống đóng mở tự động được nối giữa máy bơm và hệ thống dẫn nước, có tác dụng điều chỉnh thời gian và số lần bơm nước trong ngày.
Anh nhấn mạnh, trồng rau thủy canh cho năng suất cao, không có sâu bệnh, cây sạch tuyệt đối vì không dính đất cát, khi thu hoạch chỉ việc nhấc cây lên, cắt gốc và đóng bao bì là có thể xuất hàng. Về hiệu quả kinh tế, rau ăn lá canh tác theo phương pháp thủy canh hồi lưu đạt năng suất bình quân khá cao. Trên diện tích 500m2, bằng cách gieo giống xen kẽ thì cứ 2 ngày cho thu hoạch một lần 50- 60 kg. Lứa rau đầu tiên chuẩn bị cho thu hoạch được các siêu thị Hà Nội ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá bán là 60.000 đồng/kg xà lách tím, 50.000 đồng/kg với các loại rau còn lại như cải xanh, xà lách xanh... Ước tính theo giá ký kết, bình quân một tháng gia đình anh thu khoảng 45 triệu đồng. Thời gian tới, anh có kế hoạch xuất bán ra thị trường nước ngoài.
Nhận thấy thị trường tiêu thụ rộng lớn, không đủ rau cung cấp cho người tiêu dùng nên năm 2017 anh Tùng tiếp tục mở rộng thêm 500m2 nữa, hiện đang được lắp giáp nhà kính và các thiết bị. Ngoài diện tích trồng rau công nghệ cao, diện tích còn lại anh Tùng đầu tư trồng rau hữu cơ với nhiều loại rau theo mùa vụ.
Làm nông nghiệp là công việc gian nan, vất vả... Nhưng tâm huyết với nghề anh vẫn kiên trì gắn bó để thực hiện ước mơ và lựa chọn của mình. Hiện mô hình trồng rau công nghệ cao của anh Nguyễn Văn Tùng là một điển hình của huyện Việt Yên được rất nhiều người đến tham quan và học tập.
 
Được biết, thời gian qua UBND huyện Việt Yên đã có chính sách hỗ trợ 30% kinh phí xây dựng nhà kính, nhằm khuyến khích người dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm chất lượng tốt, có khả năng cạnh tranh và nâng cao thu nhập cho nông dân - chị Tống Thị Lý, cán bộ khuyến nông xã Bích Sơn chia sẻ.