Những ngày này, trên các cánh đồng của xã Khám Lạng, huyện Lục Nam (Bắc Giang) luôn rộn tiếng nói cười. Với sự cần cù, sáng tạo của người dân, vụ khoai sọ năm nay thắng lớn, tiêu thụ thuận lợi, giá cao hơn nhiều năm trước…
Năng suất cao, thu nhập lớn
“Có lẽ ở đồng đất Lục Nam này, không cây nào cho thu nhập cao như cây khoai sọ. Gia đình tôi vừa dỡ gần hai sào khoai sọ, bán được hơn 26 triệu đồng”. - Ông Nguyễn Trọng Năng, thôn Hạ, cười vui khi bắt đầu câu chuyện về mùa thu hoạch năm nay. Vừa nhâm nhi chén trà đặc, ông phấn khởi cho biết, chưa năm nào giá khoai sọ được giá như năm nay, cao gấp đôi năm trước, hiện mỗi cân bán với giá trên dưới hai chục nghìn đồng. Bà con nông dân vui lắm. Với số tiền vừa thu được từ bán khoai sọ, ông Năng mua luôn chiếc ti vi mới, giá hơn chục triệu đồng thay chiếc ti vi cũ.
Nhiều xã trong huyện cũng trồng khoai sọ nhưng tập trung nhiều ở Khám Lạng; đồng thời chất lượng khoai sọ ở đây cũng tốt hơn, có vị thơm ngon đặc trưng. Chính vì thế, huyện đã và đang chỉ đạo xây dựng khoai sọ Khám Lạng trở thành nhãn hiệu hàng hóa tập thể”.
Ông Vũ Văn Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Nam
Mặc dù năm nay đã hơn 70 tuổi, dáng nhỏ gầy nhưng ông Năng vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Các con đều trưởng thành đi công tác, chỉ có hai vợ chồng ở nhà song ông Năng vẫn không bỏ ruộng. Với đức tính cần cù, ham lao động, hầu như các loại cây trồng từ khoai sọ đến hành, tỏi của gia đình ông luôn thuộc diện tốt nhất, nhì đồng. “Mình gắn bó với ruộng đồng từ nhỏ, giờ mà bỏ chúng thì tiếc lắm”, ông Năng tâm sự.
Vào những ngày này, đến các cánh đồng trên địa bàn xã đều bắt gặp cảnh người dân khẩn trương thu hoạch khoai sọ. Thửa ruộng nào cũng có vài lao động, tiếng cười nói râm ran. Mỗi người một việc, người cuốc đất, nhổ gốc, người nhanh tay nhặt khoai… tạo nên bức tranh sinh động giữa bạt ngàn màu xanh bình yên nơi thôn quê.
- Thu hoạch khoai sọ có vất vả không?- Tôi hỏi một chị đang dốc từng khóm khoai sọ đặt lên mặt luống.
- Không vất vả lắm, vì đất ẩm, các gốc khoai được bóc gần hết đất rồi, chỉ cần nhấc nhẹ là được.- Chị Vũ Thị Châm, thôn Lưu nói.
Vụ năm nay, gia đình chị Châm trồng hai sào. Ước năng suất mỗi sào đạt năm tạ khoai, với giá bán như hiện nay thì gia đình chị thu về hai chục triệu đồng, trong khi chi phí không đáng kể.
Khoai sọ ở Khám Lạng được trồng từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch hàng năm, chia làm ba đợt: Khoai sớm, chính vụ và muộn. Hiện đang vào mùa thu hoạch khoai sớm. Việc thu hoạch khoai sọ ở đây diễn ra rất nhanh và theo cách riêng của nông dân trong xã. Do lớp trẻ chủ yếu đi làm công nhân, học tập ở ngoài, trong thôn chỉ còn người già và trung niên nên họ phải tính chuyện đổi công cho nhau. Người thu hoạch khoai đi từ rất sớm, đến gần trưa khi mặt trời đứng bóng cũng là lúc chuyển khoai về ngồi dưới những tán cây, hiên nhà nhặt rễ, phân loại củ.
Mặc dù nhiều xã trên địa bàn huyện cũng trồng khoai sọ song nhìn chung chất lượng khoai ở đây ngon hơn hẳn. Có lẽ, do điều kiện thổ nhưỡng của vùng đất này đã ưu ái cho đồng đất Khám Lạng tạo ra những củ khoai có vị đậm, bùi đặc trưng. Chính vì thế, giá bán khoai sọ ở đây thường cao hơn các nơi khác từ một đến hai giá. Những ngày này, thương lái ở khắp nơi từ Hải Dương, Hà Nội đến Hải Phòng, Quảng Ninh tìm về tận ruộng đặt mua khoai. “Năm nay, nhu cầu người tiêu dùng tăng cao nên khoai sọ được giá, việc mua bán thuận tiện”- anh Vinh, một thương lái đến từ tỉnh Quảng Ninh cho biết.
Sáng tạo và kinh nghiệm quý
Khám Lạng là xã thuần nông, diện tích đất nông nghiệp khoảng 425ha. Khoai sọ đã được người dân nơi đây đưa vào cơ cấu cây trồng chủ lực vụ đông xuân từ nhiều năm nay. Do hiệu quả kinh tế từ loại cây này luôn cao và ổn định nên diện tích cũng ngày càng tăng. “Nếu như năm trước, diện tích khoai sọ chỉ vài chục ha thì năm nay đã lên đến 108 ha”, chị Nguyễn Thị Thân Thủy, cán bộ khuyến nông xã nói.
Đặc tính của cây khoai sọ thích hợp với các loại đất thịt nhẹ, cát pha, giàu mùn, thoát nước tốt. “Đối với cây khoai sọ, có hai yếu tố quan trọng quyết định năng suất, chất lượng là nước và phân bón” - ông Năng chậm rãi nói như một kỹ sư nông nghiệp thực thụ. Sinh ra và gắn bó với đồng đất quê hương nên ông Năng khá am tường về tập tính của loại cây trồng này. Theo ông, người trồng khoai phải biết cách điều tiết nước tưới cho từng giai đoạn. Khi mới trồng, nên lấy nước đầy, ngâm một hai đêm rồi tháo đi để tạo độ ẩm vừa đủ cho đất kích thích củ khoai nảy mầm sinh trưởng. Vào giữa vụ, nước không cần lấy nhiều nhưng không được tháo đi để tạo độ ẩm nuôi thân và củ. “Quyết định nhất vẫn là thời điểm bón thúc phân kali trước lúc thu hoạch một tháng”, ông Năng tiết lộ. Khi đó, người trồng khoai cho nước vào ngang luống rồi rắc phân kali lên; đồng thời lội vài lượt để phân kali tan ra ngấm trực tiếp vào rễ, kích thích củ phát triển nhanh.
Nếu như tại nhiều vùng nông thôn khác trên địa bàn tỉnh, không ít diện tích đất canh tác bị bỏ hoang thì ở Khám Lạng lại không cho đất nghỉ. Sức sáng tạo của người dân đã biến “tấc đất thành tấc vàng”. Cơ cấu cây trồng chính ở đây là: Khoai sọ- dưa- lúa- khoai sọ. Trong đó, ở vụ khoai sọ, họ trồng xen cây hành, tỏi, thậm chí hoa lay-ơn. Thời gian sinh trưởng, phát triển của khoai sọ từ năm đến bảy tháng; hành, tỏi và hoa ngắn ngày hơn. Vì thế, khi các loại cây trồng xen được thu hoạch thì cũng vừa hay khoai sọ cần không gian để sinh trưởng, phát triển. “Nếu tính cả tiền bán hành, tỏi trồng xen vào luống khoai sọ năm nay thì gần hai sào ruộng canh tác trong vòng sáu tháng, gia đình tôi thu về khoảng ba chục triệu đồng. So với trồng lúa, giá trị kinh tế tăng gấp mười lần”, ông Nguyễn Trọng Năng cho biết.
Đức tính cần cù của người dân đã khiến đất không phụ công người. Bao năm nay, người dân Khám Lạng vẫn gắn bó với đất và đất đã trả cho họ bao thành quả.
Theo BGĐT
Tin liên quan:
- Phát hiện ra gien ở rễ có thể hỗ trợ nhân giống cây ngô có sức chống chịu tốt hơn (10-04-2023)
- Yên Thế: Tập trung chăm sóc cây trồng vụ Đông (24-11-2022)
- Cách trồng hành lá bằng hạt trong chậu (17-11-2022)