Năm 2017, Phòng Nông nghiệp &PTNT huyện Việt Yên phối hợp với UBND xã Trung Sơn đã liên kết với HTX Rau an toàn Việt Yên thực hiện sản xuất rau VietGAP trên diện tích 5 ha với 42 hộ dân tham gia. Vốn là địa phương có truyền thống thâm canh rau, có thế mạnh về nông nghiệp nhờ quỹ đất dồi dào, nên địa phương đã xác định đây là hướng đi trọng tâm để phát triển kinh tế. Xã đã sớm hình thành vùng chuyên canh rau màu đầy đủ chủng loại, đủ đáp ứng cho nhu cầu của người dân trong huyện cũng như một số địa phương lân.
 
Bà Trương Thị Mơ, thôn Minh Sơn, xã Trung Sơn cho biết, nhờ trồng rau an toàn mà nhiều hộ dân trong thôn có được thu nhập khá. Với diện tích 2,5 sào trồng dưa chuột lai, cà chua, rau muống… giá bán các loại đều 6.000 đồng/kg, hiện dưa chuột và rau muống đang cho thu hoạch, ước tính đạt 6-7 triệu đồng/sào/vụ, cao gấp 3 lần so với trồng lúa. Tương tự, gia đình ông Chu Thế Nghiệp ở cùng thôn có 2,5 sào trồng bắp cải xoắn, mồng tơi, dưa chuột, mướp… theo quy trình an toàn. Vừa vun xới, làm giàn cho cây mướp, ông Nghiệp chia sẻ “như vụ mướp năm trước mỗi sào cho thu khoảng 5 tạ quả với giá bán lúc đắt, lúc rẻ mà cũng thu được 7 triệu đồng. Năm nay, trồng theo phương thức VietGAP, hợp tác xã đang thu mua 10.000 đồng/kg mướp hương, giá cả ổn định chắc chắn sẽ cho thu nhập cao hơn”. Ông Nghiệp cũng cho biết, trồng rau an toàn khó hơn cách làm truyền thống do phải tuân thủ quy trình rất nghiêm ngặt. Người dân địa phương chưa quen nên ban đầu gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc ghi chép nhật ký đồng ruộng. Tuy nhiên, được sự hướng dẫn cán bộ khuyến nông và tổ chỉ đạo sản xuất nên đã hiểu được cách làm và các thao tác kỹ thuật mới, vì vậy việc sản xuất rau theo tiểu chuẩn VietGAP dần đi vào ổn định.
Để bảo đảm cân đối cung - cầu, xã Trung Sơn cùng với tổ sản xuất chủ động phân bố cơ cấu mỗi loại rau, củ, quả với diện tích và thời vụ hợp lý, vừa bảo đảm “mùa nào thức nấy” lại đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Nhờ vậy, sản phẩm làm ra tiêu thụ thuận lợi. Ông Lê Duy Cận- Trưởng thôn, kiêm tổ trưởng tổ sản xuất rau VietGAP của thôn cho biết, việc xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn đã được bà con trong thôn ủng hộ cao. Hiện có 42/96 hộ dân đã tham gia mô hình, chia làm 8 tổ sản xuất với tổng diện tích 5 ha, 15 loại rau, quả được đưa vào sản xuất như bắp cải xoắn, rau cải ngọt, mồng tơi, rau muống, rau dền, mướp đắng, mướp hương, đỗ đũa, bí xanh, bầu... Đây là vụ rau VietGAP đầu tiên được thực hiện trong thôn, chúng tôi cũng đặt nhiều kỳ vọng. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm cho những vụ tiếp theo. Sau vụ rau này sẽ chọn lọc những loại rau tiêu thụ thuận lợi và tiến tới vụ đông sẽ làm tập trung từ 8-10 loại rau và mở rộng diện tích lên khoảng 20 ha. Việc áp dụng mô hình này sẽ tạo điều kiện cho sản phẩm rau an toàn, chất lượng, hướng tới nhiều thị trường, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
 
Theo đó, nông dân tham gia mô hình được huyện hỗ trợ 100% giống, 25 kg phân NPK giai đoạn bón lót, 15 kg phân NPK giai đoạn bón thúc; xây dựng thùng đựng vỏ thuốc bảo vệ thực vật và thùng tráng bình khi phun thuốc sâu. Ngoài ra, huyện còn tổ chức tập huấn kiến thức về quy trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế, kinh doanh rau an toàn.
 
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, mô hình sản xuất rau an toàn không những giảm được chi phí đầu tư, hạ giá thành sản phẩm mà còn tăng năng suất, chất lượng, sản phẩm đưa ra thị trường bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất hiện nay chính là thị trường tiêu thụ sản phẩm rau an toàn, người tiêu dùng chưa phân biệt được rau an toàn và rau không an toàn.
 
Trước nhu cầu sử dụng rau sạch đang ngày một tăng cao, để đưa các sản phẩm đến được với người tiêu dùng, huyện Việt Yên đã phối hợp với Hợp tác xã Rau an toàn Việt Yên ký kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con nông dân, đồng thời tăng cường liên kết, dần hướng tới xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm rau của huyện; có cơ chế chính sách khuyến khích thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác chuyên thu mua; chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ rau an toàn cho người sản xuất; tiếp tục chỉ đạo mở rộng diện tích vùng sản xuất rau an toàn trong vụ đông và những năm tiếp theo.
 
Theo Hương Giang
 
TT Khuyến Nông