Khi Việt Nam tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), với quy định gỡ bỏ hàng rào thuế quan về 0% đối với rất nhiều mặt hàng, trong đó có các sản phẩm nông nghiệp. Đây vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức lớn cho nền nông nghiệp cả nước nói chung, Bắc Giang nói riêng. Do đó, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao (CNC) là bước đi đúng đắn hiện nay.
Xác định được tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp, các địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo, thực hiện việc ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) theo hướng CNC trong sản xuất nông nghiệp. Chính vì thế, sản xuất nông nghiệp của tỉnh thời gian qua đã có bước phát triển mạnh mẽ, nâng cao giá trị nông sản hàng hóa của tỉnh.
Bắc Giang hiện có 22 mô hình nhà lưới, nhà kính, nhà màng được xây dựng với tổng diện tích hơn 41.000m2 để áp dụng CNC vào sản xuất.
Thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang về đẩy mạnh ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, các địa phương trong tỉnh đang tập trung nguồn lực; xây dựng các mô hình điểm nhằm tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp.
Nhờ ứng dụng CNC vào nông nghiệp, nhiều nhà sản xuất trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã rất thành công với mô hình đầu tư mới của mình. Điển hình như mô hình trồng nấm ứng dụng CNC trên diện tích 5.000m2 của ông Đỗ Vinh Thúy, thôn 4, xã Nghĩa Hưng, huyện Lạng Giang, với đầu tư 800 triệu đồng trồng nấm sạch sẽ cho thu lãi khoảng 400 triệu đồng.
Nói về việc sản xuất nấm ở đây, trước hết, nấm giống được mua tại Trung tâm Giống nấm Bắc Giang - nơi đã được nhận giấy chứng nhận loại A về điều kiện sản xuất, kinh doanh nông, lâm sản và thủy sản. Nấm giống ở đây luôn đảm bảo an toàn, chất lượng. Ngoài ra, các nguyên liệu phục vụ trồng nấm như rơm rạ, mùn cưa, bã mía, thân lõi ngô... được tận dụng từ quá trình sản xuất nông nghiệp.
Ở giai đoạn chuẩn bị, toàn bộ phần nguyên liệu trên được trộn với nước vôi hoặc cho vào lò hấp khử trùng nguyên liệu lên đến 1000C nhằm đảm bảo vệ sinh khi cấy nấm. Trong quá trình trồng nấm, các loại hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật đều bị cấm sử dụng. Lượng phân bón cũng chỉ ở mức vừa đủ. Riêng với nấm mỡ và nấm sò, suốt toàn bộ quá trình, bà con chủ bón thúc một lần với đạm.
Để tránh bệnh ấu trùng ruồi (bệnh ruồi đẻ), người trống nấm lắp đặt các lưới chắn, ngăn sinh vật như ruồi, muỗi lọt vào và rắc vôi bột trong lán trại. Bên cạnh đó, các đồ dùng, dụng cụ sản xuất nấm cũng được vệ sinh sạch sẽ hàng ngày.
Sau khoảng 3 tháng, nấm sẽ được thu hoạch và đưa vào sơ chế, đóng gói thành phẩm. Trong quá trình này, người sản xuất luôn đeo khẩu trang, găng tay và mặc quần áo bảo hộ, tuân thủ các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chia sẻ về hiệu quả kinh tế khi ứng dụng công nghệ trong sản xuất nấm, ông Thúy cho biết: “Trước đây tôi làm nấm thủ công, năng suất rất thấp, rủi ro cao vì côn trùng, nấm mốc xanh. Từ khi có nhà cấy giống, lò khử vô trùng, năng suất cao hơn hẳn. Mỗi năm tôi đầu tư 800 triệu đồng thì lãi khoảng 400 triệu, hiệu quả hơn rất nhiều so với trồng rau, lúa”. Hiện, ông đang tiếp tục cải tiến một số phương tiện sản xuất như máy xé bông phế liệu, máy trộn mùn cưa và sắp tới sẽ dùng quạt hút gió để nấm không bị mốc.
Ngoài mô hình trồng nấm hiệu quả của ông Thúy, mô hình của bà Đoàn Thị Cầu, thôn Vàng, xã Tiên Lục, chủ khu trồng nấm rộng trên 3.000m2 cũng là một điển hình trong phát triển sản xuất ứng dụng CNC. Bà Cầu cho biết: “Giống được mua tại Trung tâm Giống nấm Bắc Giang, đạt các điều kiện an toàn. Tôi đang áp dụng công nghệ mới như sử dụng lò hơi nhiệt, lò hấp thanh trùng nguyên liệu và thực hiện đúng quy trình kỹ thuật từ xử lý nguyên liệu, làm bịch đến chăm sóc và thu hái”.
Hay như mô hình trồng nấm của gia đình anh Đồng Văn Hiệp, ở thôn Khoát, xã Nghĩa Hưng, huyện Lạng Giang có thu nhập cao từ trồng nấm. Năm 2012, sau khi tham gia lớp tập huấn về trồng nấm do huyện tổ chức, anh tận dụng vườn nhà xây 500m2 lán trồng mộc nhĩ, nấm sò và nấm rơm, năm đầu tiên đã thu về gần 100 triệu đồng. Sau đó được sự hỗ trợ chuyển giao dự án trồng nấm của tỉnh, năm 2015 anh đầu tư mở rộng lán trại lên 5.000m2, trong đó 700m2 là nhà xưởng, mỗi vụ đưa vào sản xuất trên 300 tấn nguyên liệu nấm sò, nấm rơm, nấm mỡ, thu về trên 1 tỷ đồng/năm.
Anh Hiệp chia sẻ: “Nghề trồng nấm đã giúp gia đình tôi có của ăn, của để, sản phẩm làm ra đều được các thương lái đến thu mua. Do vậy, để đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm, chúng tôi luôn tuân thủ chặt chẽ các quy trình sản xuất từ nguyên liệu đầu vào, quá trình chăm sóc và thời gian thu hái”.
Có thể nói, việc áp dụng các công nghệ tiên tiến từ khâu nhân giống đến nuôi trồng nấm đã làm thay đổi cuộc sống không chỉ của ông Thúy, bà Cầu, anh Hiệp mà còn của nhiều người dân khác ở Lạng Giang.
Ông Nguyễn Văn Sỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang đánh giá: “Từ khi áp dụng lò khử vô trùng, người dân mua được giống tốt, năng suất cao hơn hẳn, tỷ lệ nấm chuẩn đạt 70% (trước đây là 50%). Lạng Giang đã trở thành một trong những địa phương đi đầu của tỉnh về sản xuất nấm; trong đó chủ yếu là các loại nấm sò, nấm mỡ, nấm rơm, nấm mộc nhĩ. Từ năm 2013, huyện đã triển khai đề án phát triển sản xuất nấm. Đến nay, huyện đã hình thành được các vùng sản xuất nấm tập trung tại 6 xã là Tiên Lục, Nghĩa Hưng, Tân Dĩnh, Phi Mô, Tân Thanh, Mỹ Hà với 276 hộ tham gia, diện tích hơn 46.000m2, tổng sản lượng nấm các loại trung bình đạt gần 2 nghìn tấn/năm, doanh thu đạt hơn 23 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 15 tỷ đồng mỗi năm. Huyện đang khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ trong hợp tác xã trồng nấm áp dụng công nghệ tưới tự động để người lao động không trực tiếp tiếp xúc với nấm hoặc xây nhà lưới có nilon phủ kèm hệ thống làm mát nếu có điều kiện”.
Với những nỗ lực trong việc sản xuất nấm sạch, vào đầu năm 2016, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH&CN) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Nấm Lạng Giang” cho sản phẩm nấm cuả huyện này. Đây là tin vui đối với những người trồng nấm an toàn tại huyện Lạng Giang nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung.
Ông Thúy cho biết: “Sau khi được cấp nhãn hiệu tập thể, huyện đã hỗ trợ bà con in bao bì, logo. Vì vậy, nấm ra thị trường nhanh hơn, đặc biệt là thị trường ngoại tỉnh. Sắp tới, huyện sẽ thiết lập và vận hành mô hình quản lý nhãn hiệu tập thể, chuyển giao công nghệ nhân giống và sản xuất nấm thương phẩm cho nông dân”.
Có thể thấy, thời gian qua, đầu tư cho phát triển sản xuất nấm ứng dụng CNC tại Bắc Giang nhận được sự quan tâm của các cơ quan chức năng. Theo Sở KH&CN Bắc Giang, Sở đã chuyển giao cho người dân nhiều công nghệ tiên tiến trong sản xuất nấm như công nghệ nhân giống hạt, que với năng lực sản suất từ 800 - 1.000kg/ngày. Bắc Giang phấn đấu đến năm 2020, đạt sản lượng sản xuất nấm từ 8.000 - 9.000 tấn/năm, sẽ xây dựng 12 mô hình cho chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu (trong đó 5 mô hình hợp tác xã, 7 mô hình sản xuất nấm ứng dụng CNC), tổ chức tập huấn kỹ thuật... với tổng kinh phí Nhà nước hỗ trợ trên 8,7 tỷ đồng./.
Nguyễn Phượng
Tin liên quan:
- Phát hiện ra gien ở rễ có thể hỗ trợ nhân giống cây ngô có sức chống chịu tốt hơn (10-04-2023)
- Yên Thế: Tập trung chăm sóc cây trồng vụ Đông (24-11-2022)
- Cách trồng hành lá bằng hạt trong chậu (17-11-2022)