Nậm Đét là xã vùng sâu của huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai với diện tích tự nhiên 41,45 km2, với 520 hộ, 2.619 khẩu, 4 dân tộc (Dao, Phù lá, Mông, Kinh), trong đó dân tộc Dao chiếm trên 80%. Người dân xã Nậm Đét thu nhập chủ yếu từ việc trồng và bán quế.
Sản phâm tinh dầu quế của HTX Quế hữu cơ Nậm Đét
Năm 1975, xã Nậm Đét được tỉnh khảo sát, lựa chọn trồng thử cây quế. Qua đánh giá quế Nậm Đét có hàm lượng tinh dầu cao; cây thẳng, ít cành nhánh thích hợp sản xuất ra các sản phẩm cao cấp xuất khẩu ra thế giới; điều kiện tự nhiên thuận lợi cùng với tập quán canh tác của bà con dân tộc Dao không tác động các biện pháp hóa học đã tạo ra nguồn nguyên liệu quế sạch. Tháng 3/2018 Nậm Đét có 615 ha được chứng nhận hữu cơ quốc tế.
Phát huy nội lực của người dân địa phương, thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, tháng 11/2018, HTX Quế hữu cơ Nậm Đét đã được thành lập. Từ khi thành lập đến nay, HTX đã liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu quế tổ chức sản xuất ra các mặt hàng từ quế như: tinh dầu quế, quế ống điếu, ống sáo, bột quế, quế chi… Các sản phẩm của HTX chất lượng tốt, được thị trường đánh giá cao, các công ty sẵn sàng thu mua sản phẩm của HTX với giá cao hơn so với các địa phương khác từ 1.000 – 2.000 đồng/kg. Tuy nhiên, HTX mới chỉ bán cho các công ty dưới dạng nguyên liệu bán buôn, chưa có nhãn hiệu riêng, chưa có nhãn mác, chưa được đóng gói trong bao bì nên chưa quản lý được việc các đơn vị khác trà trộn quế địa phương khác và chưa có chỗ đứng trên thị trường bán lẻ.
Trước thực trạng đó, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Lào Cai đã hỗ trợ HTX Quế hữu cơ Nậm Đét hoàn thiện sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu giúp HTX tạo ra ưu thế cạnh tranh trên thị trường, tạo điều kiện tiếp cận khách hàng, mở rộng thị trường, xây dựng và phát triển thương hiệu quế tỉnh Lào Cai. Đồng thời, cung cấp thông tin, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, mở rộng thị trường tiêu thụ gắn với các khu du lịch, hướng tới phát triển sản phẩm quế gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP.
Để xây dựng thương hiệu cho quế Nậm Đét, Trung tâm đã hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, kết nối với doanh nghiệp sản xuất và đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế cho 615 ha quế. Tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm quế của HTX tại các hội chợ thương mại, các hội nghị, hội thảo cấp tỉnh, xây dựng các phóng sự, tin bài quảng bá trên truyền hình, báo, internet… Trung tâm cũng hỗ trợ HTX lựa chọn, thiết kế và in ấn các loại bao bì đóng gói cho sản phẩm tinh dầu quế
Qua việc hoàn thiện sản phẩm, tinh dầu quế được đóng gói trong chai thủy tinh thể tích 30ml, được dán nhãn và đóng trong hộp giấy chất liệu Kraf thân thiện với môi trường, bảo vệ chất lượng sản phẩm và không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Bộ nhận dạng thương hiệu tinh dầu quế của HTX gồm tên sản phẩm, logo của HTX, hình ảnh nguyên liệu; bao bì có đầy đủ thông tin về sản phẩm, công dụng, cơ sở và công nghệ sản xuất, cách sử dụng, ngày sản xuất, hạn sử dụng… bằng tiếng Anh và tiếng Việt, đáp ứng cung cấp thông tin đầy đủ cho người Việt Nam và người nước ngoài.
Sử dụng bao bì tem nhãn giúp HTX tiếp cận và mở rộng thị trường bán lẻ, nâng cao lợi nhuận từ việc bán tinh dầu quế. Giá bán buôn sản phẩm tinh dầu quế khoảng 1.000.000 đồng/lít. Khi bán lẻ giá trị đạt 4.000.000 đồng/lít. Giá trị tinh dầu quế tăng gấp 4 lần. Sau khi trừ các chi phí bao bì, tem nhãn, nhân công, máy móc, bán hàng, HTX lãi gấp đôi so với việc bán tinh dầu quế với hình thức bán buôn. Hơn nữa nâng cao trình độ sản xuất của HTX quế hữu cơ Nậm Đét từ việc bán dạng nguyên liệu sang đóng gói, tiếp thị mở rộng thị trường bán sản phẩm tinh dầu quế theo nhu cầu của người tiêu dùng lẻ. Tạo công ăn việc làm từ 20 - 30% người dân xã Nậm Đét và nâng cao thu nhập cho người trồng quế từ 12 - 15% so với bán quế thô.
Theo: khuyennongvn.gov.vn
Tin liên quan: