1. Nguồn gốc:
Giống lúa thuần BG6 do Công ty Cổ phần Giống cây trồng Bắc Giang chọn tạo. Giống BG6 đã được công nhận và đưa vào sản xuất thử theo Quyết định số 542/QĐ-TT-CLT ngày 15/11/2012 của Cục Trồng trọt.
2. Đặc tính chủ yếu: Là giống cảm ôn, gieo cấy được cả hai vụ.
- Thời gian sinh trưởng:
+ Ở các tỉnh phía Bắc vụ xuân muộn từ 130-135 ngày, vụ mùa sớm từ 105-110 ngày;
+ Ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ vụ đông xuân từ 120-150 ngày, vụ hè thu từ 95-100 ngày;
- Cây cao trung bình từ 120-150cm, phiến lá rộng, góc lá hẹp, cứng cây, chống đổ khá, đễ chăm sóc, chịu thâm canh, thích ứng rộng, chống chịu sâu bệnh tốt.
+ Hạt thóc dài, ít rụng hạt trên đồng ruộng, trọng lượng 1.000 hạt từ 23-24g. Năng suất trung bình 70-75 tạ/ha, thâm canh tốt có thể đạt trên 85 tạ/ha.
+ Hạt gạo trắng trong, tỉ lệ xát đạt trên 70%, tỉ lệ nguyên hạt trên 80%, không bạc bụng. Cơm mềm, dẻo, đậm và ngon, để lâu không cứng.
3. Thời vụ:
Tùy lịch gieo trồng của từng địa phương để chọn thời vụ gieo trồng phù hợp, có thể áp dụng thời vụ gieo trồng như sau:
- Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc và đồng bằng Sông Hồng, vụ xuân muộn gieo mạ từ 20/1-5/2, cấy trong tháng 2; vụ mùa gieo mạ từ 10-25/6, cấy khi mạ 15-20 ngày tuổi.
- Đối với các tỉnh Trung Bộ, duyên hải nam Trung Bộ, vụ đông xuân gieo mạ từ 15-30/12, cấy trong tháng 1; vụ hè thu gieo mạ từ 20-25/5, cấy từ 5-10/6.
4. Ngâm ủ:
Vụ xuân 36-38 giờ, vụ mùa 30-36 giờ. Cứ 12 giờ rửa chua thay nước một lần. Khi hạt thóc hút đủ nước đãi sạch đem ủ, nếu thiếu nước thì tưới cho đủ ẩm, khi mầm rễ dài tương đương hạt thóc có thể đem gieo.
5. Lượng giống:
Các tỉnh phía Bắc gieo cấy từ 30-36kg/ha, gieo xạ từ 42-45kg/ha. Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ gieo xạ từ 70-90kg/ha.
Mật độ cấy: Trung bình mật độ cấy từ 45-50 khóm/m2, cấy 2-3 dảnh/khóm. Chân vàn trũng cấy từ 50-55 khóm/m2, cấy 3 dảnh/khóm.
6. Phân bón:
Tính cho phân đơn, ở vụ xuân, đông xuân.
- Phân chuồng: 8.000-10.000kg/ha;
- Đạm urê: 180-195kg/ha;
- Supe lân Lâm Thao (Văn Điển): 420-540kg/ha;
- Kalyclorua: 195-220kg/ha.
7. Cách bón:
- Bón lót: Toàn bộ phân chuồng + phân lân + 30% urê + 20%kali (10.000-12.000 kg phân chuồng/ha + 420-540kg lân/ha + 54-60kg đạm urê/ha + 40-45kg kali/ha).
- Bón thúc lần 1 (khi lúa bén rễ, hồi xanh): Bón 60% urê + 30% kali kết hợp làm cỏ, sục bùn (108-115kg urê/ha + 58-65kg kali/ha).
- Bón thúc lần 2 (khi lúa đứng cái và phân hóa đòng): Bón 10% urê + 50% kali (18-20kg urê/ha + 97-110kg kali/ha). Có thể sử dụng phân bón tổng hợp NPK theo liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất.
8. Phòng trừ sâu bệnh:Thường xuyên thăm đồng để kiểm tra sâu bệnh và có biện pháp phòng trừ kịp thời theo hướng dẫn của cơ quan bảo vệ thực vật địa phương.
Những điều cần lưu ý:
- Giống lúa BG6 có thời gian ngủ nghỉ vì vậy nếu sử dụng giống liền vụ để gieo cấy cần phải xử lý phá hạt ngủ giống;
- Vụ mùa (hè thu) giảm 10% lượng đạm so với vụ xuân;
- Bón phân sớm, tập trung, tuyệt đối không bón lai rai;
- Đảm bảo đủ nước cho cây sinh trưởng và phát triển;
- Nếu có thể thì sử dụng phun phân kali theo khuyến cáo của nhà sản xuất ở giai đoạn trỗ bông 5%;
- Giống BG6 đẻ nhánh trung bình, cao cây, vì vậy khi gieo cấy phải chú ý đảm bảo mật độ và thời vụ gieo trồng./.
BBT
- Ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới để tăng lợi nhuận cho nghề trồng lúa (13-04-2023)
- Kỹ thuật trồng ngố trên đất hai lúa (18-05-2021)
- Kỹ thuật trồng lạc thu (19-03-2021)