Ngô là cây lương thực chủ lực đứng thứ hai sau lúa, đồng thời còn là nguồn nguyên liệu chủ yếu phục vụ ngành chăn nuôi. 

Hiện nay chúng ta đang sử dụng một số giống ngô lai phổ biến như: CP999, NK4300, Biossid 9797, Biossid 9681... có sức sinh trưởng khoẻ, chống chịu sâu bệnh khá, khả năng thích ứng rộng, năng suất trung bình 5 - 6 tấn/ha. Để bà con trồng ngô đông đạt hiệu quả kinh tế cao, xin giới thiệu một số biện pháp kỹ thuật chủ yếu sau:

1. Thời vụ - chuẩn bị giống

Vụ đông từ cuối tháng 8 - 25/9. Đối với ngô trồng bằng bầu, gieo hạt vào bầu trước ngày 25/9 và đưa bầu ra ruộng trước ngày 05/10.

Lượng giống cần gieo cho 1 sào Bắc Bộ (360m2) là 0,7 - 1kg. Phơi lại hạt giống dưới nắng nhẹ 2 - 3 giờ trước khi gieo 1 - 2 ngày.

2. Làm đất

Sau khi thu hoạch lúa mùa sớm, tiến hành tháo cạn nước và cày lên luống 1,1m, rãnh luống 0,3m. Trên luống tạo 2 hàng ngô, hàng cách hàng 70cm, cây cách cây 30cm. Trồng ngô đông trên đất hai lúa nhất thiết phải làm bầu.

3. Làm bầu

+ Nguyên liệu:Dùng 3 chậu bùn ao + 2kg phân chuồng hoai mục + 0,2kg Super lân trộn rải đều trên 1m2 mặt luống, tạo thành lớp bùn dày 5 - 6cm (khoảng 8 - 10m2 bầu ngô trồng được 1 sào). Khi bùn se mặt, dùng dao rạch thành ô vuông với kích thước 6x6cm (rạch sâu 1/3 - 1/2 bầu).

Để tiện vận chuyển bầu, có thể làm theo cách: Trước khi rạch 5 ngày tiến hành gặt trước 10m2 lúa/sào để làm nền hoặc bầu tại ruộng, yêu cầu đảm bảo bùn nhuyễn, thoát nước và bón đủ phân lót.

+ Ngâm ủ hạt và tra hạt vào bầu:

- Khi bắt đầu lấy bùn làm bầu, tiến hành ngâm hạt trong nước sạch 12 giờ, vớt hạt, rửa sạch nước chua, đem ủ 12 giờ, khi hạt nứt nanh đem gieo hạt vào bầu. Dùng ngón tay chọc 1 lỗ giữa bầu, sâu 1cm, đặt hạt ngô vào lỗ, rễ quay xuống, mầm không sát bùn, dùng đất bột lấp kín hạt. Giữ cho bầu đủ ẩm bằng cách tưới nước 1 - 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều mát. Trong 3 ngày đầu, cần che phủ mặt luống, đề phòng mưa to. Thời gian cây ngô sống trong bầu từ 5 - 7 ngày.

4. Cách trồng

Cuốc hốc theo 2 hàng trên luống, bón đủ phân lót và tiến hành đặt bầu. Xoay hướng lá các cây ngô song song với nhau và chếch mặt luống một góc 450 để cây tận dụng được đầy đủ ánh sáng, dùng đất lấp kín chỗ tiếp xúc giữa bầu và mặt luống để tránh đọng nước ở gốc.

5. Bón phân, chăm sóc

Lượng phân bón cho 1 sào:Phân chuồng hoai mục: 300 - 500kg, Urê 9 - 12kg; Kali 4 - 6kg; lân 15kg.

Cách bón: Bón lót toàn bộ phân chuồng.

Bón thúc lần 1: Khi ngô có 3 - 5 lá, bón 2 - 3kg Kali + 3 - 4kg Urê + 10kg lân (riêng lân ngâm với nước giải pha loãng theo tỷ lệ 1 phần phân pha với 50 phần nước tưới cho ngô, đề phòng bệnh huyết dụ chân chì).

Bón thúc lần 2: Khi ngô 7 - 9 lá, bón 3 - 4kg Urê + 2 - 3kg Kali + 5kg lân (phân lân ngâm với nước giải rồi pha loãng để tưới).

Bón thúc lần 3: Trước trỗ cờ 10 - 15 ngày, bón 3 - 4kg Urê.

Lưu ý:Bón cách gốc 5 - 10cm, vét bùn dưới rãnh phủ kín phân và cỏ dại trên mặt luống. Nếu đất không thì pha loãng phân với nước để tưới.

6. Phòng trừ sâu bệnh

Ngô vụ đông thường bị sâu ăn lá, sâu đục thân, rệp hại lá, cờ và bệnh khô vằn gây hại. Phải chủ động đề phòng và xử lý kịp thời khi có sâu bệnh phát sinh.

7. Thu hoạch

Để tận dụng được nguồn thức ăn xanh, khi ngô chín sáp có thể cắt dần những lá dưới gốc cho trâu, bò… giữ nguyên các lá trên bắp.

Khi ngô vàng lá bi, cắt nốt phần lá phía trên bắp cho gia súc ăn, thu cả cây, để thêm 2 - 3 ngày mới bóc lấy bắp ngô.

Thu hoạch vào những ngày trời khô ráo, có nắng. Nếu ngô chín vào đợt mưa dài ngày cần vặt râu, để bắp ngô chúi xuống, nước mưa không thấm vào làm hỏng, thối hạt. Đến khi nắng ráo thu ngô về phơi./.

BBT