Khu ao nuôi của gia đình ông Phương

Chăn nuôi thủy sản đang là một nghề đem lại thu nhập tương đối cao cho người dân nuôi thủy sản ở xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên. Nổi bật như gia đình ông Giáp Minh Phương ở thôn Bằng Cục, mỗi năm đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng từ nghề nuôi cá.

Ông Phương chia sẻ, gia đình nuôi cá từ năm 2002 nhưng với quy mô nhỏ, hàng ngày chỉ tận dụng cho cá ăn những thức ăn sẵn có tại địa phương. Sau một thời gian, nhận thấy lợi nhuận từ việc nuôi cá nên năm 2007 gia đình đầu tư cải tạo, xây tường bao kiên cố, vững chắc, làm mới đường, kéo dây điện thắp sáng, mua các loại máy cơ giới hóa như máy sục khí oxy, quạt nước... và sử dụng cám viên nổi để cho cá ăn.

Để đạt hiệu quả kinh tế cao, ngoài những kinh nghiệm sẵn có, ông Phương không ngừng học hỏi và nâng cao trình độ chuyên môn của mình qua nghiên cứu sách báo, ti vi, các lớp tập huấn, trao đổi với cán bộ khuyến nông... để từ đó áp dụng vào thực tiễn mô hình nhà mình. Cùng với việc kiểm soát tốt các yếu tố đầu vào như con giống, thức ăn, các loại thuốc, hóa chất sử dụng trong quá trình nuôi nên chất lượng cá những năm gần đây tốt hơn hẳn so với những năm trước nên giá bán cũng cao hơn.

Hiện gia đình ông Phương có 02 ao với diện tích hơn 2.000 m2, 03 ao 1.000 m2 mặt nước. Mỗi năm 3 lần thu, năm 2019 ông thu được gần 30 tấn cá các loại như: trắm, trôi, mè, chép, rô phi..., trừ hết chi phí cũng đem về hơn 200 triệu đồng. Năm 2020, ông đã thu 2 đợt được gần 15 tấn, giá bán cá trắm được 45.000 đồng - 47.000 đồng/kg, các chép 44.000 - 46.000 đồng/kg, rô phi 30.000 đồng - 35.000 đồng/kg, thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Cũng theo ông Phương, đối với nghề nuôi cá, quan trọng nhất là phải chủ động nguồn nước và đảm bảo an toàn dịch bệnh. Để đảm bảo chất lượng cá khỏe mạnh, ít bị dịch bệnh và năng suất, cần phải cải tạo ao, thường xuyên thay nước, vệ sinh ao nuôi theo định kỳ, cho cá ăn đúng giờ, bảo đảm lượng thức ăn. Sau mỗi lứa thu hoạch cần tháo hết nước trong ao rồi rắc vôi bột khử trùng, hoặc xử lý ao nuôi trước khi thả cá bằng các chế phẩm sinh học. Bờ ao phải được gia cố chắc chắn, tránh để rò rỉ, cá thoát ra ngoài. Thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình sinh trưởng, phát triển của cá để có cách xử lý phù hợp. Hàng tháng, các kỹ thuật viên của công ty cám thủy sản đều qua kiểm tra và hướng dẫn các biện pháp phòng trị bệnh cho cá.

Ông Ngô Xuân Lương, cán bộ phụ trách thú y thủy sản xã Ngọc Châu cho biết,

với kinh nghiệm trong nuôi cá nước ngọt, mô hình của ông Giáp Minh Phương đã và đang đem lại thu nhập cho gia đình, là địa chỉ tin cậy để các hộ nuôi trồng thủy sản trong xã và các xã khác trong huyện đến tham quan học tập. Ông Phương cũng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm với các hộ chăn nuôi, nuôi thủy sản trong và ngoài xã. Bằng sự quyết tâm, nghị lực, cần cù, sáng tạo trong sản xuất, mô hình nuôi cá của gia đình ông đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Theo http://khuyennongbacgiang.com/