Ảnh: minh hoạ

Cây ngô từ xa xưa đã được biết đến là cây lương thực quan trọng của người dân.  Hiện nay, có rất nhiều giống ngô được lai ghép được nông dân ưa chuộng vì cho năng xuất cao, chất lượng bắp tốt hơn. Ngô thường được dùng để chế biến thành các món ăn như ngô luộc, ngô nướng, thả lẩu, ngô xào hay sữa ngô, làm thức ăn chăn nuôi….Vào mùa đông ở thì trồng ngô là lựa chọn tốt cho bà con vì ngô dễ trồng không cần chăm sóc quá cầu kì. Sau đây chúng tôi xin chia sẻ cách trồng ngô vụ đông để bà con cùng tham khảo.

1. Chuẩn bị trồng

- Thời vụ:Phù hợp nhất trong khoảng thời gian từ 15-25/9 dương lịch. Có thể kéo dài thời gian đến 05/10 dương lịch, nhưng phải trồng bằng bầu.

- Làm đất:Ngô trồng được trên nhiều loại đất, tốt nhất là đất thịt hay thịt pha cát, xốp giàu dinh dưỡng, thoáng và giữ nước tốt. Sau khi thu hoạch lúa mùa, cắt sát gốc rạ (dùng để phủ mặt luống). Lên luống: Bề mặt luống rộng 1 - 1,2 m, rãnh rộng 30 cm, sâu 25 cm, xung quanh ruộng có rãnh thoát nước. Sau đó tiến hành gieo hạt hoặc trồng cây bầu vào hốc.

 - Chọn giống:Hiện nay, có rất nhiều giống ngô nhưng bà con nên sử dụng các giống ngô lai F1 năng suất cao như ngô nếp HN88, HN68, Wax44, MX10, ngô ngọt….

- Làm bầu: Trộn bùn với trấu xay, phân chuồng hoai mục theo tỷ lệ 1:1. San phẳng lớp bùn trên nền đất cứng đã được rắc trấu hoặc lót lá chuối, độ dày lớp bùn từ 5-7cm, khi mặt đất bầu se lại, dùng que rạch theo kích thước định trước sau lấy ngón tay trỏ chọc 1 lỗ giữa bầu, đặt hạt giống đã ủ nứt nhanh đảm bảo mầm hạt hướng lên trên và phủ kín hạt bằng một lớp đất bột nhỏ, đất cát hoặc trấu. Thường xuyên tưới đủ ẩm, khi mưa to phải che đậy, thời gian cây sống trong bầu tốt nhất là 5 – 7 ngày, tối đa không quá 10 ngày, nếu thời gian cây ngô ở trong bầu dài hơn cần phải tưới bổ sung dinh dưỡng cho cây bằng NPK pha loãng.

2. Cách trồng

-  Khoảng cách trồng:Hàng x hàng: 65 - 70 cm; Cây x cây: 25 - 30 cm.

- Mật độ:2.000 - 2.200 cây/sào (360m2) đối với đất 2 lúa. Tùy từng loại giống và điều kiện thâm canh có thể tăng mật độ ngô 2.200 - 2.500 cây/sào (360m2) đối với đất màu. Bứng bầu ngô đem trồng khi cây ngô được 5 - 7 ngày tuổi, có 2 - 3 lá thật, loại bỏ những cây thấp bé, dị dạng, sâu bệnh.

 Khi ra bầu dùng tay tách nhẹ bầu tránh gẫy thân, lá ngô, đưa ra ruộng trồng theo đúng khoảng cách quy định. Khi trồng cần đặt bầu ngô theo hướng lá xòe ra 2 bên hàng và vuông góc với chiều dài luống để tận dụng hết được ánh sáng xung quanh cây ngô góp phần tăng năng suất.

3. Cách chăm sóc

- Bón lót:Toàn bộ phân chuồng (hoặc phân hũu cơ vi sinh) và phân lân + 20% lượng đạm urê.

- Bón thúc lần 1:Khi cây đã bén rễ, hồi xanh (từ 3 - 5 ngày sau khi đưa bầu ra ruộng) bón 30% lượng đạm ure + 40% lượng kali. Bón phân cách gốc 7 - 10 cm hoặc hòa tan phân đạm, kali với nước tưới cho ngô kết hợp nhặt sạch cỏ dại.

- Bón thúc lần 2: Khi cây 5 - 6 lá, bón 50% lượng đạm ure + 40% lượng  kali bón phân cách gốc 10 - 15cm  kết hợp nhặt cỏ dại, vét đất ở rãnh vun cao vào gốc để cây không bị đổ.

- Bón thúc lần 3:Khi ngô 10 - 11 lá, bón hết lượng phân còn lại.

-  Nếu sau trồng gặp mưa gây ngập úng cần có biện pháp thoát nước kịp thời, tuyệt đối không để cây con bị ngập úng. Sau đó, cần ngâm lân super với nước, pha loãng tưới liên tục 2 - 3 lần, lần trước cách lần sau 3 - 4 ngày. Nếu đất khô cần tưới ngay sau khi đặt bầu cho liền thổ và cây nhanh ra rễ mới. 

- Tiến hành dặm tỉa sớm khi cây 1- 3 lá, định hình cây sớm đảm bảo mật độ. Sau khi dặm cần tưới nước để giúp cây nhanh phục hồi. Ngô cần nước ở các giai đoạn cây 3 - 5 lá, 7 - 9 lá, xoay loa kèn, tung phấn  phun râu và chín sữa cần tưới đủ ẩm đảm bảo cho bắp và hạt phát triển tốt. Độ ẩm thích hợp với ngô 70 - 80%.

4. Phòng trừ sâu bệnh

- Sâu keo mùa thu: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của sâu keo mùa thu, đặc biệt cây ngô ở thời kỳ 3- 6 lá để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Phun trừ bằng các thuốc như: Carno 250SC, Proclaim 5WG, Vayego 200SC, Clever 150SC, Biocin 8000 SC... Pha và phun theo hướng dẫn trên bao bì, phun khi sâu non mới nở để đạt hiệu quả cao nhất, phun kép 2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 3- 5 ngày; có thể đổi thuốc giữa các lần phun để giảm khả năng kháng thuốc của sâu.

- Sâu đục thân, đục bắp: Kiểm tra ruộng ngô thường xuyên để phát hiện sớm và phun trừ kịp thời giai đoạn sâu non mới nở còn chưa kịp đục vào bên trong thân cây. Sử dụng một trong các loại thuốc: Vk.Dan 95WP, Phizin 800WG, Legend 800WG...

- Đối với bệnh đốm lá: Thường gây hại từ thời kỳ 5 - 6 lá đến 8 - 9 lá nhất là trong điều kiện mưa nhiều, trời âm u. Sử dụng thuốc Tilt super 300EC, Appencab hoặc Daconyl, Dinep....

- Bệnh khô vằn: Phun trừ bằng các loại thuốc như: Antracol 70WP, Dibazole 5SC, Nativo 750WG,...

5. Thu hoạch

 Khi ngô chín sinh lí thì có thể thu hoạch, khi lá bẹ chuyển thành màu nâu, lá bi đã vàng. Nên chọn ngày khô, nắng để thu hoạch ngô.

BBT